Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 80% trong những tháng đầu năm 2025.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến giữa tháng 2/2025, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 3.500 tấn sầu riêng, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông sản mà còn làm giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 416 triệu USD trong tháng 1-2025, giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chính được cho là do Trung Quốc tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt liên quan đến dư lượng của chất vàng O và Cadimi trên sầu riêng, sau khi phát hiện những chất này trên sầu riêng Thái Lan.
Kể từ đầu năm 2025, tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O, thực hiện tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Đây là quy định bắt buộc áp dụng không chỉ với sản phẩm của Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp và tốn thời gian.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết các biện pháp kiểm tra này là bước đi cần thiết của Trung Quốc nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định mới đã tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng sầu riêng.
Sự sụt giảm mạnh này đã gây ra những tác động đáng kể đến ngành xuất khẩu sầu riêng, vốn được coi là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm giải pháp để duy trì và mở rộng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đây là một bài toán khó không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.
Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và công nghệ Sutech cũng như một số thương nhân, cho biết việc kiểm soát gắt gao đã khiến sản lượng xuất khẩu giảm sút, thậm chí có những ngày không có hàng để giao dịch.
Để vượt qua thách thức này, bà Phan Thị Mến cho rằng, các nhà sản xuất cần áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng từ khâu trồng trọt đến thu hoạch.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức chuyên ngành trong việc xây dựng tiêu chuẩn và hỗ trợ kỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng. Chỉ khi giải quyết được những khó khăn này, sầu riêng Việt Nam mới có thể vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
Về phía Bộ NN&PTNT đang khẩn trương tăng cường năng lực xét nghiệm, nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng ùn tắc do thiếu phòng kiểm nghiệm. Được biết, hiện tại Việt Nam đã có 9 phòng kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận và đang chờ phê duyệt thêm 6 hồ sơ để mở rộng khả năng xét nghiệm, góp phần giảm bớt áp lực trong quá trình xuất khẩu.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đang thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để đưa xuất khẩu sầu riêng quay trở lại theo quy định trong nghị định thư đã được hai nước ký kết, nhằm loại bỏ các biện pháp bổ sung gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, một chương trình giám sát dư lượng hóa chất đang được triển khai trên toàn quốc nhằm kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất, từ đó đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn khi xuất khẩu. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố niềm tin của thị trường quốc tế đối với sầu riêng Việt Nam.
Song song với đó, cần nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số hợp tác xã, tổ hợp tác quản lý tốt mã số vùng trồng; Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng cách) và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra về pháp lý thương nhân, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người nông dân trồng sầu riêng cần tập trung vào tầm quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Xác định đầu tư vào chuỗi giá trị, đồng thời đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố quyết định để duy trì vị thế cạnh tranh của sản phẩm sầu riêng Việt Nam tại thị trường trọng điểm và mở rộng thị trường thế giới. Có như thế, sự trỗi dậy mạnh mẽ của sầu riêng sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.