Nhìn thẳng - Nói thật

Mật đạo vàng lậu - Kỳ 1: Dòng chảy không lý lịch

Nguyễn Giang 23/04/2025 04:15

Giá vàng lập đỉnh không chỉ làm bùng phát cơn sốt chính thức mà còn khơi thông những dòng chảy ngầm vượt biên, luân chuyển mà không để lại dấu vết pháp lý…

LTS: Không ồn ào như phố vàng giữa thủ đô, không sôi động như những phiên giao dịch online, thị trường vàng còn tồn tại một dòng chảy âm thầm, nơi mỗi thỏi vàng lặng lẽ vượt biên, đi vào nội địa mà không để lại dấu vết pháp lý nào. Khi giá vàng không chỉ tăng bằng biểu đồ mà còn mở đường cho các hoạt động bất hợp pháp len lỏi dưới tấm áo giao dịch thông thường, thì câu hỏi đặt ra không còn là “giá vàng sẽ tăng đến đâu” mà là “pháp luật đang ở đâu trong dòng chảy ấy”.

Loạt bài “Mật đạo vàng lậu” do Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện không chỉ nhằm phản ánh hiện tượng buôn lậu vàng đang trở lại, mà còn để bóc tách những lỗ hổng pháp lý từ biên giới đến giao dịch dân sự, từ thất thu thuế đến rủi ro rửa tiền, đang khiến thị trường tài chính đối mặt với những nguy cơ vô hình nhưng không hề nhỏ. Và trên hết, là để đặt lại câu hỏi: đã đến lúc cần một luật chơi mới cho thị trường kim loại quý?

Những chuyến hàng lặng lẽ

mat-dao-vang-lau-ky-1-dong-chay-khong-ly-lich-1.png
4 kg vàng được Phạm Thị Vân Anh cất giấu trong người để vận chuyển qua biên giới.

Giữa cơn sốt giá vàng kỷ lục những ngày qua, khi giá trong nước vượt mốc 124 triệu đồng mỗi lượng và cao hơn thế giới hơn 20 triệu đồng, thị trường chứng kiến sự nhộn nhịp chưa từng có tại các điểm mua bán chính thống. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi. Phía sau lớp vỏ hợp pháp ấy là một mạng lưới giao dịch vận hành ngầm, nơi vàng không hóa đơn, không kiểm định, không giám sát vẫn ngày ngày len lỏi qua biên giới, thâm nhập nội địa và hòa vào hệ thống tài chính quốc gia như một dòng chảy ngầm đầy nguy cơ.

Ngày 17/4/2025, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), lực lượng biên phòng phát hiện một phụ nữ giấu trong người 4 thỏi kim loại màu vàng, tổng khối lượng 4 kg, không khai báo hải quan. Vài ngày trước đó, tại sân bay Nội Bài, một hành khách đến từ Đài Loan cũng bị bắt giữ khi cất giấu một thỏi vàng 1 kg trong người. Những vụ việc tưởng chừng đơn lẻ, nhưng khi đặt cạnh nhau lại cho thấy dấu hiệu rõ rệt của một chuỗi vận chuyển có tổ chức, đang mở rộng quy mô và gia tăng tần suất.

mat-dao-vang-lau-ky-1-dong-chay-khong-ly-lich-2.png
Số kim loại nghi là vàng miếng không được HUANG CHAO-TSUN (đối tượng người Đài Loan - PV) khai báo với cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh.

Tại tuyến biên giới Tây Nam, đặc biệt là khu vực Campuchia – Việt Nam, hoạt động buôn lậu vàng vẫn tiếp diễn âm ỉ. Vụ án điển hình là đường dây do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), từng bị triệt phá năm 2022. Dù đã có bản án nghiêm khắc, nhưng sau dư chấn ấy, các nhánh vận chuyển nhỏ lẻ hơn tiếp tục mọc lên, khó phát hiện và khó kiểm soát hơn rất nhiều.

Hệ sinh thái không giấy tờ

Theo ghi nhận từ lực lượng chức năng và các vụ án đã xử lý, các thủ đoạn vận chuyển vàng hiện nay ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Thay vì giấu vàng theo cách truyền thống, một số đối tượng đã chế tác thành dây chuyền, thắt lưng, đeo trên người để qua mặt kiểm tra, như trường hợp giám đốc công ty xây dựng Nguyễn Mạnh Thắng tại Hà Tĩnh. Một số khác lợi dụng phương tiện giao thông để giấu vàng trong xe chở nước đá, trộn lẫn vào hàng hóa tiêu dùng hoặc gửi dưới dạng hành lý, quà tặng cá nhân.

mat-dao-vang-lau-ky-1-dong-chay-khong-ly-lich-4.png
Đối tượng Nguyễn Mạnh Thắng đã chế tác vàng thành dây chuyền, thắt lưng, đeo trên người để qua mặt kiểm tra.

Từ đây hình thành một hệ sinh thái gồm tiền mặt, vàng vật chất và ngoại tệ không có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào đi kèm. Khi vàng nhập lậu trót lọt, không chỉ gây thất thu thuế mà còn có thể được sử dụng làm trung gian để rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài hoặc che giấu các hoạt động tài chính bất hợp pháp khác. Đặc tính nhỏ gọn, dễ trao đổi, khó truy vết khiến vàng trở thành công cụ lý tưởng cho các giao dịch ngầm.

Theo giới chuyên môn trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế thời gian gần đây là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động buôn lậu. Mức chênh lệch hơn 20 triệu đồng mỗi lượng bị xem là “siêu lợi nhuận”, đủ để tạo động lực cho các đường dây vận chuyển vàng ngầm gia tăng trở lại. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là hệ quả của việc chậm hoàn thiện hành lang pháp lý điều tiết thị trường, trong khi cơ chế định giá còn thiếu minh bạch và thương hiệu SJC vẫn giữ vai trò chi phối nhưng chưa được điều chỉnh bằng khung pháp lý cụ thể.

Ngày 23/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng buôn lậu vàng, thao túng thị trường, đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh vàng. Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ diễn ra ngày 21/4/2025 vừa qua, vấn đề này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc đến và yêu cầu cương quyết xử lý.

Có thể thấy rằng, các chỉ đạo từ Chính phủ đã được ban hành rất quyết liệt và kịp thời, tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, việc tổ chức thực thi và giám sát còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi, một thị trường mỗi năm giao dịch với số lượng lên tới hàng trăm nghìn lượng vàng, do vậy, nếu hệ thống giám sát không đủ mạnh thì sẽ khó theo kịp những biến động ngày càng tinh vi.

mat-dao-vang-lau-ky-1-dong-chay-khong-ly-lich-3.png
Tang vật trong vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), từng bị triệt phá năm 2022.

Về nội dung này, giới chuyên môn nhận định, chừng nào hệ thống pháp luật chưa xử lý được điểm mấu chốt là “vàng không có lý lịch”, thì chừng đó, những chuyến đi không khai báo vẫn sẽ là mắt xích tất yếu trong guồng quay vận hành ngầm của thị trường.

Không dừng lại ở hoạt động buôn lậu có tổ chức, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng thị trường ngầm còn đang len lỏi vào cả đời sống thường nhật thông qua các giao dịch dân sự. Vàng được mua bán mỗi ngày mà không cần hóa đơn, không có chứng từ, không bị truy xuất nguồn gốc. Sự thờ ơ trong việc giám sát loại hình giao dịch này đang hình thành một vùng xám pháp lý, nơi vàng được đối xử như món hàng tiêu dùng phổ thông nhưng lại tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng, không chỉ cho người mua mà cả cho năng lực kiểm soát của hệ thống tài chính.

Theo các chuyên gia pháp lý, từ những chuyến hàng lặng lẽ vượt biên cho đến các giao dịch dân sự tưởng chừng vô hại, một dòng chảy vàng ngầm đang từng bước khoét rộng khoảng trống quản lý.

Trong nội dung kỳ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bóc tách những vùng xám ấy, nơi hợp pháp và phi pháp chỉ cách nhau bằng một hóa đơn, nhưng pháp luật lại chưa đủ sắc để phân định rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mật đạo vàng lậu - Kỳ 1: Dòng chảy không lý lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO