Tính ẩn danh của vàng cùng kẽ hở pháp luật đang mở đường cho những dòng tiền bẩn xuyên biên giới, đẩy thị trường vào nguy cơ thành “hành lang rửa tiền”.
Không phải mọi giao dịch vàng đều vô hại. Ngay sau khi phơi bày những chuyến vận chuyển vàng không khai báo, những vùng xám trong giao dịch dân sự và những lỗ thủng thuế khóa, loạt bài Mật đạo vàng lậu tiếp tục ghi nhận những rủi ro pháp lý tiềm ẩn lớn hơn.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng vàng đang bị lợi dụng như một công cụ trung gian để chuyển hóa dòng tiền không rõ nguồn gốc. Trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa kịp cập nhật theo diễn biến thị trường, sự thiếu kiểm soát với tài sản mang tính ẩn danh cao như vàng có thể dẫn đến nguy cơ hình thành các “hành lang rửa tiền” xuyên biên giới.
Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, vàng là tài sản có khả năng “chống truy vết” cao do không yêu cầu tài khoản ngân hàng, không cần hóa đơn điện tử và không bắt buộc khai báo danh tính chủ sở hữu trong nhiều giao dịch.
Với giá trị cao và kích thước nhỏ, vàng dễ vận chuyển, tích trữ và luân chuyển qua biên giới. Theo ghi nhận của cơ quan điều tra, các nhóm thu mua vàng bằng tiền mặt trong nước có thể vận chuyển ra nước ngoài bằng hình thức xách tay cá nhân hoặc giấu trong hành lý, kiện hàng. Khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, số vàng này được quy đổi thành ngoại tệ và đưa vào các kênh đầu tư hợp pháp như bất động sản, cổ phiếu, hoặc tài sản số.
Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), giữa tháng 4/2025 vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Phạm Thị Vân Anh (SN 1984) vận chuyển trái phép 4kg vàng qua biên giới, không khai báo hải quan. Trường hợp này được cơ quan chức năng xử lý theo quy định về vi phạm hải quan, song cũng đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích luân chuyển lượng tài sản lớn bằng hình thức không chính thức.
Dù chỉ là một vụ việc vận chuyển cá nhân, theo các chuyên gia, những lượng vàng như vậy nếu được vận hành lặp lại có thể trở thành mắt xích trong chuỗi dòng tiền khó kiểm soát.
Trước đó, tháng 10/2020, Công an tỉnh An Giang đã triệt phá đường dây vận chuyển 51kg vàng lậu từ Campuchia vào Việt Nam, do đối tượng Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức “Mười Tường”) tổ chức. Kết quả điều tra cho thấy số vàng được hợp thức hóa qua hệ thống tiệm vàng trong nước, từ đó quy đổi thành tiền sạch. Vụ việc sau đó được TAND tuyên án 23 năm tù đối với đối tượng cầm đầu.
Theo phân tích từ giới chuyên gia tài chính, các vụ việc như trên cho thấy vàng hoàn toàn có thể trở thành trung gian giúp hợp thức hóa dòng tiền không rõ nguồn gốc. Một thị trường hàng trăm nghìn tỷ nhưng lại vận hành trong bóng tối, đó là nghịch lý lớn nhất của thị trường vàng hiện nay.
Luật chưa gọi tên vàng
Đáng chú ý, Luật Phòng chống rửa tiền chưa đưa vàng vào nhóm “tài sản phải giám sát đặc biệt”, đồng nghĩa với việc các giao dịch vàng, kể cả giá trị lớn, hiện không nằm trong diện báo cáo bắt buộc hoặc kiểm tra hậu giao dịch.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law, việc Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi năm 2022 chưa đưa vàng vào danh mục "tài sản phải giám sát đặc biệt" là một lỗ hổng lớn trong bối cảnh giao dịch vàng tại Việt Nam đang gia tăng cả về quy mô lẫn tính chất phi chính thức.
"Luật hiện nay mới chỉ siết chặt đối với tiền tệ, tài khoản ngân hàng, bất động sản và chứng khoán, nhưng lại bỏ ngỏ vàng, một loại tài sản có giá trị cao, khả năng luân chuyển dễ dàng và ẩn danh gần như tuyệt đối. Khi các giao dịch vàng không bị giới hạn giá trị, không yêu cầu khai báo, cũng không có cơ chế hậu kiểm, thì cơ hội để dòng tiền bất minh được “tẩy trắng” qua vàng là rất lớn," luật sư Tuấn phân tích.
Đồng thời, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trong các hệ thống tài chính quốc tế hiện đại, vàng luôn được xếp vào nhóm tài sản rủi ro cao và bị yêu cầu khai báo giao dịch vượt ngưỡng, nhằm hạn chế nguy cơ dòng tiền phi pháp xâm nhập thị trường hợp pháp. "Nếu Việt Nam không sớm bổ sung vàng vào khung pháp lý giám sát, không thiết lập cơ chế kiểm soát giao dịch vàng có giá trị lớn, thì sẽ rất khó phòng ngừa rửa tiền, thao túng tài sản và mất kiểm soát thị trường tài chính trong tương lai", luật sư Tạ Anh Tuấn lưu ý.
Tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, bất kỳ giao dịch vàng nào trị giá từ 10.000 USD trở lên đều phải khai báo với cơ quan chuyên trách. Một số nước châu Âu quy định ngưỡng báo cáo bắt buộc từ 5.000 euro.
Điều này cho thấy, so với nhiều nước phát triển, cơ chế kiểm soát vàng tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống đáng lưu tâm. Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ chế giới hạn giá trị, cũng không yêu cầu khai báo đối với các giao dịch giữa cá nhân.
Trên thực tế, việc giao dịch vàng không cần hóa đơn, chứng từ hay định danh người mua – bán là một trong những lý do khiến nhiều dòng tiền có thể đi qua kênh này mà không để lại dấu vết.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh các giao dịch tài sản khác như chuyển khoản, bất động sản, thậm chí tài sản số đều đã có khung kiểm soát tương đối rõ, thì việc vàng vẫn “ẩn thân” ngoài hệ thống là một rủi ro lớn về mặt quản trị dòng tiền.
Ở góc độ vĩ mô, nhiều ý kiến cảnh báo rằng, nếu vàng tiếp tục được lưu thông mà không chịu giám sát như tài sản tài chính, nguy cơ thất thu thuế, thao túng giá thị trường, và rửa tiền thông qua tài sản kim loại quý là điều khó tránh khỏi. Không thể xây dựng một hệ thống tài chính minh bạch nếu vẫn tồn tại những kênh vận động tài sản ngầm như vàng. Sớm hay muộn, những “dòng chảy ngầm” này sẽ tác động ngược lại nền kinh tế chính thống.
Theo luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts, vàng là một trong những tài sản đặc thù nhất trong hệ thống tài chính vì tính ẩn danh, giá trị cao và khả năng luân chuyển dễ dàng.
"Khác với bất động sản, tài khoản ngân hàng hay chứng khoán, vốn đều có hệ thống xác thực chủ sở hữu và lưu trữ thông tin giao dịch, vàng gần như không để lại dấu vết định danh. Khi một giao dịch vàng không yêu cầu hóa đơn, không truy xuất nguồn gốc, thì trong trường hợp phát sinh tố tụng, ví dụ tranh chấp dân sự, điều tra hình sự hoặc xử lý tài sản rửa tiền – các cơ quan chức năng sẽ rất khó xác định chủ thể, dòng chảy tài sản, cũng như truy thu thuế, xử lý hành vi vi phạm", bà Nhung phân tích.
Cũng theo luật sư Lê Thị Nhung, với thực trạng hiện nay, nếu không xây dựng được cơ chế giám sát giao dịch vàng minh bạch, Việt Nam sẽ khó ngăn chặn nguy cơ vàng trở thành "kênh trung chuyển dòng tiền bẩn", đồng thời phải đối mặt với rủi ro quốc tế về kiểm soát tài chính và phòng chống rửa tiền.
Nếu không viết lại luật chơi, thị trường sẽ tiếp tục bị thao túng bởi những bàn tay vô hình. Một trật tự pháp lý mới là điều kiện tiên quyết để minh bạch hóa thị trường vàng, nơi mọi dòng tiền phải có danh tính, mọi tài sản phải có trách nhiệm, và mọi giao dịch phải nằm trong tầm giám sát của luật pháp.
Còn nữa…