Không hóa đơn, không truy xuất, không trách nhiệm thuế, những thỏi vàng lậu vô danh được “rửa sạch” bằng tờ phiếu nội bộ và dòng tiền mặt âm thầm.
LTS: Sau khi đi dọc biên giới vàng lậu ở Kỳ 1 và bóc tách khoảng trống pháp lý trong giao dịch dân sự ở Kỳ 2, loạt bài “Mật đạo vàng lậu” bước vào điểm thắt tài chính quan trọng: lưới thuế bị xuyên thủng.
Đây không còn là chuyện thất thu ngân sách thuần túy. Mỗi giao dịch không hóa đơn, mỗi lần doanh thu bị giấu nhẹm là một lần cơ chế kiểm soát nhà nước bị vô hiệu hóa. Những tiệm vàng nhỏ, nơi tưởng chừng chỉ phục vụ nhu cầu người dân lại đang trở thành điểm đến lý tưởng để vàng lậu “rũ bụi đường biên”, khoác lên lớp áo giao dịch hợp pháp.
Tình trạng hợp thức hóa vàng không rõ nguồn gốc qua hệ thống tiệm vàng lẻ, kèm theo chiêu thức quay vòng hóa đơn, kê khai doanh thu ảo và sử dụng hộ kinh doanh thuế khoán… đang tạo nên một tầng tài chính ngầm không bị ràng buộc nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thuế, hệ thống ngân hàng và cả sự công bằng thể chế.
Trong khi nhiều quốc gia đã đưa vàng vào diện kiểm soát nghiêm ngặt như ngoại tệ, tại Việt Nam, không ít tiệm vàng vẫn vận hành theo mô hình bán lẻ truyền thống, tức giao dịch tiền mặt, không hóa đơn, không truy vết.
Theo phản ánh từ cơ quan thuế và các phương tiện truyền thông, tình trạng các cơ sở kinh doanh vàng không xuất hóa đơn cho giao dịch nhỏ lẻ vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát thuế. Một số hộ kinh doanh còn kê khai doanh thu dưới mức chịu thuế thực tế để né thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Về bản chất, đây là một mắt xích quan trọng giúp vàng không rõ nguồn gốc “tái sinh” thành hàng hóa lưu thông nội địa. Như vậy, thay vì bị kiểm soát, vàng không hóa đơn được tiêu thụ hợp pháp chỉ bằng một phiếu ghi tay hoặc hóa đơn nội bộ tự in, thứ không có giá trị pháp lý về thuế.
Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh vàng tại các địa phương vẫn hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, kê khai thuế theo phương pháp khoán. Đây là hình thức quản lý thuế áp dụng với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, dựa trên mức doanh thu ước tính, không bắt buộc lập hóa đơn cho từng giao dịch.
Điều này dẫn đến nghịch lý: một tiệm vàng bán hàng tỷ đồng mỗi ngày nhưng vẫn nộp thuế như một cửa hàng quần áo nhỏ. Trong một số báo cáo nội bộ, ngành thuế từng ghi nhận nhiều hộ kinh doanh vàng kê khai doanh thu chỉ khoảng 50 đến 70 triệu đồng/tháng, trong khi dòng tiền thực tế luân chuyển lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Không ai kiểm soát được lượng vàng không rõ nguồn gốc đã được tiêu thụ hợp thức qua hình thức này. Cũng không thể xác minh được nguồn gốc nếu cả bên bán lẫn bên mua đều không lưu giữ hóa đơn, điều kiện tối thiểu để thực hiện hậu kiểm.
Một số cơ sở kinh doanh vàng từng bị phát hiện sử dụng hóa đơn không phản ánh đúng thực tế giao dịch, như lập một hóa đơn rồi dùng lại dưới dạng bản sao cho nhiều khách hàng khác nhau. Đây là thủ thuật giúp hợp thức hóa giao dịch không chứng từ, đồng thời gây khó khăn cho công tác kiểm tra thuế.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La cho rằng: “Hộ kinh doanh khoán đang trở thành vùng miễn nhiễm thuế vụ. Cơ sở khai báo tự nguyện, không buộc chứng từ, không định danh khách hàng. Tức là nhà nước đã chấp nhận vận hành một nền tài chính phi kiểm soát trong lĩnh vực có giá trị lớn”.
Theo ông Biên, việc buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử với mọi giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên là đúng hướng, nhưng cần thêm chế tài cụ thể: “Không thể chỉ yêu cầu, phải có cơ chế hậu kiểm định kỳ, tạm đình chỉ nếu có dấu hiệu trốn thuế hoặc giao dịch không rõ nguồn”.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law phân tích: “Không chỉ là vấn đề ngân sách. Nếu không kiểm soát được đầu vào của vàng, tức không biết vàng từ đâu đến, ai là người bán thì cả hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, đến chống rửa tiền đều bị vô hiệu hóa”.
Ông Tuấn đề xuất cần tách riêng ngành kinh doanh vàng thành lĩnh vực rủi ro cao, đưa vào diện hậu kiểm đặc biệt, tương tự mô hình giám sát tài sản có nguy cơ rửa tiền.
Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vàng – đá quý đã bị cơ quan thuế truy thu và xử phạt với số tiền hàng tỷ đồng. Những vụ việc này phần nào cho thấy cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra và xử lý hành vi kê khai chưa đúng doanh thu trong ngành.
Mỗi lượng vàng không rõ nguồn gốc được tiêu thụ mà không có hóa đơn là một dòng tiền trốn thoát khỏi hệ thống thuế. Và mỗi người dân không yêu cầu hóa đơn khi mua vàng cũng đang góp phần duy trì những lỗ hổng khiến ngân sách thất thu, vốn có thể được dùng cho bệnh viện, trường học và các công trình dân sinh thiết yếu.
Nhưng hệ lụy không dừng lại ở đó. Khi thuế bị lách, truy vết bị cắt và dòng tiền mờ được tiếp sức, vàng không còn đơn thuần là tài sản trú ẩn. Nó trở thành công cụ lý tưởng để che giấu tài sản bất minh, rửa tiền xuyên biên giới và thao túng tài chính ngầm, như một tấm áo choàng sạch sẽ cho những dòng tiền dơ bẩn.
Những hành vi ấy, tưởng chừng xa vời, nhưng lại bắt đầu từ chính một giao dịch vàng không hóa đơn tại góc phố.
Ở kỳ sau của loạt bài, chúng tôi sẽ bóc tách cách vàng đang được sử dụng như hệ quy chiếu cho dòng tiền đen và những lỗ hổng trong cơ chế giám sát rửa tiền bằng vàng.