Nhìn thẳng - Nói thật

Mật đạo vàng lậu – Kỳ cuối: Viết lại “luật chơi” để minh bạch thị trường

Nguyễn Giang 28/04/2025 04:00

Những khe hở pháp lý đã và đang tạo điều kiện cho vàng lậu và dòng tiền bẩn "luồn lách". Đã đến lúc cần một khung pháp lý mới, minh bạch và chặt chẽ hơn…

LTS: Sau khi chỉ ra những mắt xích đứt gãy từ dòng chảy không lý lịch, vùng xám giao dịch dân sự, lưới thuế bị xuyên thủng cho đến hành lang rửa tiền, loạt bài Mật đạo vàng lậu khép lại bằng một vấn đề căn cơ: Thị trường vàng sẽ tiếp tục “chảy ngầm” hay sẽ được đưa ra ánh sáng, phụ thuộc vào việc chúng ta có đủ dũng khí và quyết tâm viết lại luật chơi hay không.

Luật chơi cũ – Những lỗ thủng lớn

mat-dao-vang-lau-ky-cuoi-viet-lai-luat-choi-de-minh-bach-thi-truong-3.jpg
Chân dung bị can Đặng Thị Thanh Hằng - đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu 198 kg vàng bị triệt phá năm 2022. Ảnh: TL

Thực trạng vận hành thị trường vàng tại Việt Nam cho thấy nhiều điểm tương đồng với các "vùng trũng pháp lý": dòng tài sản có giá trị cao nhưng vận động tự do, không khai báo, không kiểm soát chặt chẽ. Từ dòng chảy vàng không lý lịch, những giao dịch dân sự tự do ngoài hệ thống tài chính chính thức, đến sự xuyên thủng lưới thuế và nguy cơ rửa tiền qua vàng, các kỳ báo trước đã khắc họa rõ những lỗ hổng đang hiện hữu.

Điểm chung dễ nhận thấy là phần lớn quy định pháp lý hiện hành vẫn còn tư duy coi vàng như một loại hàng hóa đơn thuần, thay vì nhận diện nó là một tài sản tài chính mang rủi ro cao. Sự thiếu cập nhật này khiến cho vàng thoát khỏi tầm kiểm soát chặt chẽ của hệ thống phòng chống rửa tiền.

Trong khi các giao dịch bất động sản, tài khoản ngân hàng, chứng khoán đã buộc phải xác thực chủ thể, áp dụng các cơ chế giám sát dòng tiền và truy vết giao dịch, thì vàng lại đang lưu thông trong môi trường gần như "vô hình". Người bán, người mua có thể trao đổi giá trị lớn chỉ bằng một cái bắt tay, không cần hoá đơn, không cần hợp đồng, không để lại bất kỳ dấu vết nào về nguồn gốc hay chủ sở hữu.

Một thị trường giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng vận hành như một "chợ đen hợp pháp". Đó là nghịch lý lớn nhất, đồng thời cũng là nguy cơ tiềm ẩn cho sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.

Cảnh báo những hệ lụy hiện hữu

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính – ngân hàng, nếu dòng tiền ngầm tiếp tục luân chuyển tự do qua vàng mà không có sự giám sát, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ hình thành một hệ thống tài chính song song, vận hành ngoài tầm kiểm soát chính thức. Khi đó, không chỉ thất thu thuế nhà nước, mà nguy cơ mất kiểm soát dòng vốn, mất ổn định tiền tệ và chịu rủi ro bị xếp hạng thấp về chỉ số minh bạch tài chính toàn cầu là điều khó tránh khỏi.

Chuyên gia này cũng cảnh báo, một khi thị trường tài sản ngầm đủ lớn, nó sẽ tạo áp lực đẩy lạm phát, làm méo mó cơ cấu tín dụng và làm tăng chi phí kiểm soát tài chính của Nhà nước. Vàng, với đặc tính "ẩn danh hóa dòng tiền", nếu không bị kiểm soát, sẽ trở thành cánh cửa ngầm cho dòng vốn phi pháp xâm nhập sâu vào nền kinh tế.

mat-dao-vang-lau-ky-cuoi-viet-lai-luat-choi-de-minh-bach-thi-truong-2.png
Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La trao đổi với PV. Ảnh: G.L

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp ở góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La cho rằng, lỗ hổng lớn nhất hiện nay là Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi năm 2022 đã không đưa vàng vào danh mục tài sản phải giám sát đặc biệt.

"Luật hiện hành mới siết đối với tiền, tài khoản ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, nhưng bỏ trống vàng, tài sản có giá trị cao và ẩn danh gần như tuyệt đối. Điều này tạo ra một “hành lang trống”, nơi dòng tiền bất hợp pháp có thể hợp thức hóa dễ dàng mà cơ quan chức năng không thể truy vết hoặc ngăn chặn hiệu quả", luật sư Biên nói, đồng thời cũng nhấn mạnh, trong hệ thống tài chính quốc tế, vàng luôn nằm trong diện tài sản rủi ro cao, được áp dụng ngưỡng khai báo giao dịch lớn (như tại Hoa Kỳ, giao dịch vàng trên 10.000 USD phải báo cáo FinCEN).

“Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì việc thả nổi giao dịch vàng mà không có cơ chế kiểm soát, khả năng bị các tổ chức quốc tế như FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền – PV) đưa vào diện giám sát đặc biệt về rửa tiền là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, luật sư Nguyễn Đức Biên cảnh báo.

Minh bạch hóa giao dịch vàng – Đòi hỏi không thể trì hoãn

Không chỉ lỗ hổng về kiểm soát giao dịch, Việt Nam hiện cũng chưa có cơ chế truy xuất nguồn gốc đối với vàng lưu thông nội địa. Việc một thỏi vàng bán ra thị trường có xuất xứ từ đâu, đã trải qua những giao dịch nào, hoàn toàn không được lưu trữ, quản lý hoặc định danh như các tài sản tài chính khác.

mat-dao-vang-lau-ky-cuoi-viet-lai-luat-choi-de-minh-bach-thi-truong-1.jpg
Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts trao đổi với phóng viên. Ảnh: G.L

Theo phân tích của luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts, đây chính là điểm yếu chí tử nếu Việt Nam muốn xây dựng hệ thống tài chính minh bạch.

"Vàng hiện tại không buộc phải có hóa đơn truy xuất nguồn gốc, không cần khai báo giao dịch vượt ngưỡng, không yêu cầu xác thực chủ thể. Điều này khiến cho vàng trở thành tài sản “ẩn thân” lý tưởng cho các dòng tiền bất hợp pháp. Trong các tranh chấp dân sự, điều tra hình sự liên quan đến tài sản, việc chứng minh quyền sở hữu vàng sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí bất khả thi nếu giao dịch không để lại bất kỳ hồ sơ xác thực nào", luật sư Nhung phân tích.

Đồng thời nữ luật sư cũng cảnh báo rằng, nếu tiếp tục để vàng đứng ngoài khung pháp luật kiểm soát dòng tài sản rủi ro cao, Việt Nam sẽ bị xếp vào nhóm quốc gia có chỉ số phòng chống rửa tiền thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia, môi trường đầu tư và khả năng tiếp cận vốn quốc tế.

Theo luật sư Nhung, để chặn đứng nguy cơ này, cần sớm bổ sung vàng vào diện tài sản phải giám sát trong Luật Phòng chống rửa tiền. Đồng thời, áp dụng ngưỡng khai báo bắt buộc cho giao dịch vàng lớn, quy định nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ giao dịch của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, và thiết lập hệ thống kiểm tra đột xuất đối với dòng chảy tài sản vàng.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp ở góc độ xây dựng chính sách, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần mạnh dạn "viết lại luật chơi" cho thị trường vàng: từ việc coi vàng là một mặt hàng thông thường, sang việc quản lý vàng như một tài sản tài chính đặc thù, yêu cầu minh bạch hóa, kiểm soát giao dịch, và giám sát nguồn gốc.

Nếu không làm được điều đó, thị trường vàng sẽ tiếp tục vận hành như một dòng chảy ngầm đầy rủi ro, len lỏi qua mọi khe hở luật pháp và hệ thống kiểm soát tài chính quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mật đạo vàng lậu – Kỳ cuối: Viết lại “luật chơi” để minh bạch thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO