Dù đã nhận thức và có động lực chuyển đổi xanh song doanh nghiệp tư nhân gặp một số rào cản về tài chính, kỹ thuật và hệ sinh thái hỗ trợ.
Thông tin về hoạt động chuyển đổi xanh đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (ban IV) cho biết: ở cấp độ doanh nghiệp, phát triển bền vững đã được quan tâm triển khai.
Báo cáo của KPMG năm 2022 cho thấy, 79% các công ty hàng đầu thế giới xuất bản báo cáo bền vững; 96% các công ty trong nhóm G250 có báo cáo về phát triển bền vững hoặc ESG; 64% các công ty coi biến đổi khí hậu là một rủi ro với hoạt động kinh doanh của mình…
Những biến động nhanh chóng của tình hình quốc tế và trong nước đang đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng để vượt qua các rào cản và thách thức đang gia tăng. Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Minh mức độ sẵn sàng và năng lực chuyển đổi của phần lớn doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế.
Cụ thể, về mức độ sẵn sàng, phần lớn doanh nghiệp dừng ở mức quan tâm hoặc có định hướng bước đầu.
Về động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh, khảo sát do ban IV thực hiện cho thấy các yếu tố nội tại đóng vai trò quan trọng. Có 51,9% doanh nghiệp nhận định chuyển đổi xanh giúp tối ưu hiệu quả hoạt động, trong khi 36,7% cho biết chịu áp lực từ khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng.
Thế nhưng, các cơ hội tài chính mới như tạo doanh thu từ tín chỉ carbon hoặc tiếp cận tín dụng ưu đãi, chưa được nhận diện đầy đủ khi có 22,7% doanh nghiệp xem đây là động lực quan trọng. Điều này cho thấy các công cụ thị trường chưa được khai thác hiệu quả, phần nào phản ánh hạn chế về thông tin và năng lực kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như yêu cầu cấp thiết gia tăng vai trò của những công cụ trên.
Về rào cản, từ khảo sát của ban IV, thiếu vốn đầu tư là thách thức lớn nhất (50% doanh nghiệp lựa chọn); tiếp theo là thiếu nhân sự kỹ thuật phù hợp (46%) và thiếu giải pháp công nghệ xanh (42%). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, hồ sơ kỹ thuật và yêu cầu từ ngân hàng khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chí tiếp cận tín dụng xanh…
“Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh. Dù đã nhận thức và có động lực nội tại để chuyển đổi nhưng các rào cản tài chính, năng lực kỹ thuật và hệ sinh thái đồng bộ là trở ngại lớn” - Phó Giám đốc chuyên môn ban IV nhấn mạnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi xanh trở thành yêu cầu cấp thiết. Theo ông Bùi Thanh Minh, cần các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng tín dụng xanh của doanh nghiệp tư nhân như tư vấn, truyền thông; công khai thông tin về các gói vay, quỹ hỗ trợ và tiêu chí thẩm định…
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ dự án đạt chuẩn xanh, từ việc lựa chọn công nghệ, đánh giá hiệu quả môi trường đến xin cấp các chứng chỉ quốc tế. Các doanh nghiệp có dự án phù hợp có thể xem xét cơ chế hỗ trợ lãi suất trong giai đoạn đầu triển khai nhằm giảm áp lực tài chính ban đầu.
Một sáng kiến được đề xuất là xây dựng sàn giao dịch thông tin - nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp có dự án xanh và tổ chức tín dụng nhằm rút ngắn thời gian thẩm định và tăng khả năng tiếp cận vốn.
Về dài hạn, các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh. Sự hỗ trợ từ bên ngoài chỉ mang tính chất thúc đẩy ban đầu, trong khi cam kết và năng lực nội sinh của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định để chuyển đổi xanh thực sự trở thành động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững.
Thông tin thêm về dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân đang được xây dựng, ông Bùi Thanh Minh khẳng định: doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ hội rất lớn góp phần thay đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế và doanh nghiệp; từ dựa vào tăng trưởng thâm dụng lao động và thâm hụt tài nguyên chuyển sang phát triển trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân cũng đề cập hỗ trợ tín dụng xanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME. Dòng vốn tín dụng xanh có thể xem như chất xúc tác để kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn.