Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh

Yến Nhung 24/04/2025 04:00

Trước yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi xanh, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu của thị trường mà cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn. Tuy nhiên, hành trình này đang vấp phải rào cản lớn về chi phí và nguồn lực tài chính. Ngân hàng Thế giới ước tính, từ năm 2022 đến 2040, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, riêng khu vực tư nhân tiêu tốn khoảng 184 tỷ USD, tương đương 3,4% GDP mỗi năm - một con số rất lớn trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế.

4-loi-ich-cua-tai-chinh-xanh.jpg
Ước tính, từ năm 2022 đến 2040, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh: ITN

Mặc dù tín dụng xanh đang dần được chú trọng, nhưng tỷ trọng vẫn còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 621.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Đến tháng 9/2024, con số này tăng lên hơn 665.000 tỷ đồng với 50 tổ chức tham gia, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, TS Phạm Hà, Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup chia sẻ, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh buộc phải đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, nguyên vật liệu thân thiện môi trường… việc này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài và chi phí đầu tư rất cao. Trong khi đó, thực tế doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi tương xứng về thuế, tín dụng hay đấu thầu sản phẩm xanh, khiến họ còn dè dặt khi tham gia quá trình này. Đáng nói, một trong những nút thắt lớn là khung pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ. Danh mục phân loại xanh quốc gia đến nay vẫn chưa được ban hành chính thức, khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi.

Trước thực tế nêu trên, GS, TS Đỗ Phú Hải, Giảng viên Cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chính sách ở cấp độ tổng thể, chẳng hạn như tạo ra quỹ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuyển đổi xanh, Nhà nước có thể thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái của doanh nghiệp, có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc tham gia vào ESG để có thể giúp chiến lược của doanh nghiệp được thực hiện một cách hoàn chỉnh.

“Các quỹ phát triển trên thế giới luôn dành một tỷ lệ nhất định phục vụ cho phát triển bền vững và tín dụng cho phát triển xanh. Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn vốn này để hỗ trợ cho các hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên để tiếp cận được thì Chính phủ phải có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào quá trình này”, ông Hải nhấn mạnh.

phat-trien-doanh-nghiep-xanh-trong-xu-the-kinh-te-xanh.jpg
Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: ITN

Đồng tình với quan điểm cần thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, bên cạnh việc khung pháp lý như danh mục xanh quốc gia chậm ban hành ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi xanh, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng, hay các ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ hệ sinh thái cho các hoạt động xanh chưa thực sự đủ mạnh và đồng bộ cũng là lực cản cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

“Do chuyển đổi xanh là đầu tư dài hạn, chi phí lớn và rủi ro cao, lãi suất cho vay khó có thể quá thấp. Vì vậy, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất thành lập Quỹ chuyển đổi xanh Việt Nam. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có quỹ tương tự hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Vậy thì tại sao Việt Nam chúng ta lại chưa có?”, chuyên gia đặt câu hỏi.

Từ thực tiễn quốc tế, ông Lực đề xuất, cần thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh quốc gia - một thiết chế tài chính do Nhà nước khởi xướng, rót vốn ban đầu và dẫn dắt. Quỹ này nên tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, từ đó tạo đà tăng trưởng bền vững. Về lâu dài, đây sẽ là điểm đến đáng tin cậy cho các nguồn tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính toàn cầu cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình xanh hóa nền kinh tế.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, cần có Quỹ tài chính xanh và chính sách tài chính xanh với cơ chế ưu đãi như cho vay dài hạn, không cần tài sản thế chấp hoặc được vay với lãi suất ưu đãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO