24h

Nên giãn thời gian tăng thuế TTĐB thuốc lá từ 2-3 năm một lần

Mai Hằng 09/12/2024 16:04

Cần xem xét lại lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tránh tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, xã hội và nguy cơ gia tăng thuốc lá lậu.

Đây là ý kiến của đa số các đại biểu trong buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 27/11.

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có tính định hướng tiêu dùng và có ảnh hưởng tới ngân sách rất lớn. Vì vậy, các đại biểu đồng tình Việt Nam cần phải có góc nhìn nhận thật sự khách quan và đúng với bản chất của đạo luật thuế này để xây dựng những quy định phù hợp.

Không nên tăng đột ngột

Trong phần phát biểu, Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề xuất việc áp dụng mức thuế TTĐB lần này không nên đột ngột và mỗi lần tăng phải có khoảng cách thời gian ít nhất là 2 đến 3 năm như đã từng thực hiện trong giai đoạn trước đây.

Đại biểu Hằng nêu ba lý do cho đề xuất trên. Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm, thu nhập cho 11.000 lao động và trung bình mỗi năm đóng thuế tiêu thụ đặc biệt gần 18.000 tỷ đồng, góp vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 500 tỷ đồng và Quỹ bảo vệ môi trường là 260 tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận sau thuế mà các đơn vị này phân chia cho đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo luật định.

ĐBQH Do Thi Thu Hang
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc gia tăng thuế đột ngột và lộ trình ngắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, tài sản của Nhà nước và an sinh xã hội.

Với việc gia tăng thuế đột ngột và lộ trình ngắn, các doanh nghiệp thuốc lá trong nước sẽ giảm sức cạnh tranh, không ứng phó kịp thời với sự thay đổi về chiến lược, nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ không được bền vững, các doanh nghiệp này giảm sức chiến đấu khi cùng lúc chịu nhiều áp lực từ thuế, thuốc lá bất hợp pháp và giá nguyên phụ liệu gia tăng hằng năm.

Mặt khác, khi thuế tăng dẫn đến sản lượng tiêu thụ và kết quả sản xuất, kinh doanh sụt giảm sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư vốn và lãng phí tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp thuốc lá. Đây cũng là một sự lãng phí rất lớn trong khi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang chống lãng phí theo thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ngoài ra, hơn 90.000 nông dân trồng nguyên liệu thuốc lá tại các vùng trồng như Gia Lai, Đắk Lắk, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên cũng bị ảnh hưởng rất lớn dẫn đến ảnh hưởng an sinh xã hội và an ninh tại các địa phương này...

Thứ hai, khi tăng mạnh thuế đối với thuốc lá hợp pháp thì thuốc lá nhập lậu với lợi thế về giá cả và lợi nhuận quá cao do không phải đóng thuế sẽ càng có cơ hội phát triển. Hiện nay, các nước có cùng biên giới với Việt Nam không có chính sách kiên quyết như tại Việt Nam, đường biên giới chúng ta lại trải dài hơn 4.600 cây số và việc quản lý phòng, chống thuốc lá trong thời gian vừa qua đã có nhiều thành tích, tuy nhiên vẫn chưa hữu hiệu. Các yếu tố này cộng hưởng với mức thuế tăng quá cao sẽ làm cho tình trạng nhập lậu thuốc lá diễn biến phức tạp.

Do đó, mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá sẽ khó đảm bảo khả thi vì người tiêu dùng vẫn có cơ hội sử dụng thuốc lá lậu với giá cạnh tranh hơn rất nhiều dù chất lượng và thành phần trong thuốc lá lậu không được kiểm soát.

Thứ ba, Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có tính định hướng tiêu dùng và có ảnh hưởng tới ngân sách rất lớn. Cho nên, tôi cho rằng những quy định của luật thuế nếu thay đổi thì sẽ có tác động rất lớn đối với xã hội, đối với người dân, đối với doanh nghiệp. Tôi cũng đồng tình với rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi, chúng ta cần phải có góc nhìn nhận thật sự khách quan và đúng với bản chất của đạo luật thuế này để xây dựng những quy định phù hợp.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng thuế TTĐB không nên là công cụ quan trọng nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay môi trường. “Thuế là liên quan đến tài chính. Tôi đề nghị chúng ta phải rà soát, đánh giá, nhất là tác động đối với môi trường kinh doanh và doanh nghiệp. Nếu chúng ta tăng thuế gấp và sốc sẽ tác động ngay đối với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”. Đại biểu An cũng cho hay còn nhiều công cụ khác để giải quyết vấn đề sức khỏe hay môi trường.

Tránh kích thích cho buôn lậu

Cũng theo ông An, giá thuốc lá tăng quá cao sẽ kích thích cho buôn lậu, ảnh hưởng đến cả vấn đề an ninh, trật tự.

“Vì vậy tôi đề nghị phải cân nhắc lại lộ trình cho hợp lý để chúng ta vừa thu được ngân sách, vừa bảo đảm cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động, vừa không ảnh hưởng đến người dân làm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt tránh kích thích cho buôn lậu, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”, đại biểu An cho hay.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhất trí với chủ trương tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá vì đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng. Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Theo đại biểu Cường, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy điều này, nhiều nước sau tăng sốc thuế thì buôn lậu đã tăng hơn gấp 2-3 lần hoặc có những nước có những quy định rất cực đoan, để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội do tình trạng buôn lậu, do sản xuất chui...

DBQH Nguyen Manh Cuong
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đưa ra dẫn chứng về kinh nghiệm quốc tế khi tăng thuế cao của một số nước đã dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội do tình trạng buôn lậu.

Buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận vì trốn tất cả các khoản thuế cộng vào khoảng hơn 400-500%. Do lợi nhuận chỉ xếp sau ma túy nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật buôn lậu thuốc lá, tăng thuế sốc sẽ làm buôn lậu thuốc lá phát triển. Hiện nay, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được tăng cường, đạt một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Trước đây, việc tăng thuế với mức độ hợp lý có thể không dẫn đến việc tăng quá cao buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, ở lần này việc tăng thuế sốc chưa có tiền lệ, trong khi công tác chống lậu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ là vấn đề phải hết sức cân nhắc để tránh những hệ lụy vô cùng tai hại của gia tăng buôn lậu thuốc lá. Đó là giá thuốc lá tăng sốc sẽ dẫn đến nhiều người tìm đến thuốc lá lậu giá rẻ, có sẵn, dễ tiếp cận trên thị trường, không được kiểm soát chất lượng, không có cảnh báo nguy hại cho sức khỏe,... Như vậy, mục tiêu giảm cầu không đạt được, mà mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân càng không đạt được.

Thứ hai, doanh nghiệp thuốc lá trong nước hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước. Mức tăng thuế tuyệt đối tác động lớn nhất từ các sản phẩm thuốc lá phân khúc giá rẻ, giá trung bình mà chủ yếu là của các doanh nghiệp trong nước sẽ dẫn đến các doanh nghiệp này gặp khó khăn, thậm chí đóng cửa. Hiện nay, các doanh nghiệp này đóng góp 19.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước. Chỉ riêng Vinataba đã đứng thứ 6 trong 10 doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta không đánh đổi lợi nhuận do thuốc lá mang lại với sức khỏe con người, với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu thuốc lá lậu phát triển thì ngân sách Nhà nước thất thu, nguồn lợi đó sẽ vào túi bọn buôn lậu trong khi chúng ta vẫn không đạt được mục tiêu giảm cầu, rủi ro cho sức khỏe người dung từ các sản phẩm nhập lậu là rất lớn vì không được kiểm soát chất lượng, không có cảnh báo sức khỏe cũng như không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn nào ... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khăn, đóng cửa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập của hơn 10.000 lao động tại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá và 90.000 nông dân trồng nguyên liệu thuốc lá. Chưa kể đến buôn lậu thuốc lá gia tăng sẽ dẫn đến hình thành các băng đảng tội phạm gây mất an ninh, trật tự, v.v.

Trước đó trong một toạ đàm, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cũng nhấn mạnh:“Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường”.

Từ những phân tích cụ thể về thực trạng xã hội nêu trên có thể thấy cần cân nhắc kỹ hơn về mức tăng và lộ trình tăng thuế TTĐB nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để có thể tăng cường bảo đảm các điều kiện cho công tác chống lậu, hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý nghiêm minh hành vi buôn lậu, kết hợp với tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới có thể hài hòa các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nên giãn thời gian tăng thuế TTĐB thuốc lá từ 2-3 năm một lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO