Tài chính doanh nghiệp

“Vị đắng” ngành bia

Đình Đại 28/05/2025 11:00

Triển vọng ngành bia mặc dù được đánh giá tích cực, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khiến bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa thể phục hồi.

bia.jpg
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành bia vẫn chưa thể phục hồi - Ảnh minh họa.

Mặc dù là doanh nghiệp đầu ngành, với doanh thu và lợi nhuận luôn dẫn đầu trong nhóm các doanh nghiệp ngành bia đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng “ông lớn” trong ngành là Tổng Công ty CP Bia rượu và Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (HoSE: SAB) cũng vừa trải qua quý đầu năm không mấy suôn sẻ khi doanh thu chỉ đạt hơn 8.510 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 800 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng mức lợi nhuận thấp nhất của “ông lớn” ngành bia phía Nam này trong vòng 14 quý gần đây.

Doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do cạnh tranh gia tăng, tác động từ Nghị định 168/2024/NĐ-CP và thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt sau khi hợp nhất Sabibeco từ công ty liên kết thành công ty con từ tháng 01/2025. Ngoài ra, thu nhập từ lãi tiền gửi giảm, trong khi chi phí tài chính và quản lý tăng do thương vụ mua lại Sabibeco.

Một “ông lớn” khác trong ngành bia ở phía Bắc là Tổng Công ty Bia rượu và Nước giải khát Hà Nội – Habeco (HoSE: BHN) mặc dù có doanh thu tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 1.458 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 33 tỷ đồng, đảo chiều từ mức lỗ 5,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cải thiện từ 20,4% lên 24,3%.

Tuy nhiên, so với quý liền kề, cả doanh thu và lợi nhuận của BHN đều sụt giảm, đánh dấu quý giảm thứ 3 liên tiếp. Đồng thời, quý 1/2025 cũng là quý có kết quả thấp nhất trong 4 quý gần đây. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp mới thực hiện được 20% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty CP Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi (UpCOM: BSQ) cũng chịu chung số phận khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của BSQ giảm hơn 16,3% so với cùng kỳ, xuống còn gần 421 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 9 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ.

Tương tự, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây (UpCOM: WSB) cũng ghi nhận doanh thu sụt giảm 7% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 239 tỷ đồng; Lợi nhuận đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung (HoSE: SMB), một công ty con của Sabeco là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành có kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng. Cụ thể, mặc dù doanh thu của SMB sụt giảm 10% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 296 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, lên 29 tỷ đồng. Có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp kiểm soát được giá vốn, giúp kết quả kinh doanh hiệu quả.

Ở nhóm các doanh nghiệp thua lỗ trong quý đầu năm, mức lỗ cao nhất thuộc về Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (UpCOM: THB) lỗ 7 tỷ đồng, tiếp theo là Công ty CP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (UpCOM: BSP) lỗ 5,7 tỷ đồng; mức lỗ 3,6 tỷ đồng thuộc về Công ty CP Bia Sài Gòn - Lào Cai (UpCOM: BSL); Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội (UpCOM: BSH) lỗ 1,4 tỷ đồng...

sanluongtieuthu.png
Sản lượng tiêu thụ bia giai đoạn 2011–2029F. Nguồn: Euromonitor, Khối Khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Mirae Asset ước tính.

Nếu xét trên tổng số 14 doanh nghiệp ngành bia đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì đã có đến 7 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong quý đầu năm, số doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận cũng chiếm 4 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi và tăng lãi chỉ có 03 doanh nghiệp. Điều này cho thấy rằng, ngành bia mặc dù được đánh giá là có triển vọng tích cực, nhưng vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt, khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với một số quy định liên quan đến ngành đang chờ được Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam hiện đang ở mức cao, đạt khoảng 43 lít/người/năm, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 4,7% trong giai đoạn 2009-2023, xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ đạt trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2025-2030 nhờ vào các yếu tố hỗ trợ như tăng trưởng kinh tế, dân số trẻ, quá trình đô thị hóa và sự phục hồi của ngành du lịch.

Trước Covid-19, tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng trưởng ổn định với CAGR 8% giai đoạn 2010-2019, nhưng giảm 22% vào năm 2021 do dịch bệnh. Năm 2022, sản lượng phục hồi hơn 20% nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau giãn cách xã hội. Tuy nhiên, kinh tế suy thoái và Nghị định 100 siết chặt quy định về nồng độ cồn khiến tiêu thụ giảm trong năm 2023. Đến năm 2024, đà phục hồi chỉ đạt mức 2,5% do Nghị định 168 tăng mức xử phạt vi phạm giao thông.

Mirae Asset đánh giá, triển vọng dài hạn của thị trường bia tại Việt Nam tiếp tục khả quan nhờ vào mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng cải thiện và quy mô dân số lớn trong độ tuổi tiêu thụ rượu, bia.

Mặc dù, thị trường vẫn đang trong quá trình thích nghi với các quy định nghiêm ngặt hơn về nồng độ cồn khi tham gia giao thông và đà phục hồi tiêu dùng bia còn tương đối chậm, kỳ vọng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 5% trong giai đoạn 2025-2030, nhờ nền tảng nhu cầu tiêu dùng nội địa vững chắc.

Cũng theo Mirae Asset, Việt Nam trải qua bốn lần điều chỉnh tăng Thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, với thuế suất tăng từ 45% trong giai đoạn 2010 - 2012 lên 65% năm 2018 và được duy trì cho đến nay. Nhìn chung, mỗi lần tăng thuế đều tác động nhất định đến ngành bia, làm chậm đà tăng trưởng sản lượng tiêu thụ trong khoảng 2 đến 3 năm đầu.

“Việc điều chỉnh Thuế TTĐB dự kiến sẽ làm gia tăng chênh lệch giá giữa các sản phẩm trung cấp và cao cấp. Điều này tạo lợi thế cho các doanh nghiệp trong phân khúc phổ thông và trung cấp như Sabeco, với lợi thế về giá và mạng lưới phân phối rộng. Ngoài ra, người tiêu dùng thu nhập thấp có xu hướng chuyển sang các sản phẩm giá rẻ hơn như bia hơi, bia cỏ, đặc biệt tại nông thôn và quán bình dân”, Mirae Asset đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vị đắng” ngành bia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO