Kiến nghị

Tăng Thuế TTĐB: Tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Minh Ngọc 07/03/2025 17:00

Việc tăng Thuế TTĐB đối với một số mặt hàng sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

Tại hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi", Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) chia sẻ, năm 2024 có 121.898 doanh nghiệp mới thành lập mới, tăng 20,1%, trong đó 102.575 doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 92,6%, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. 57.312 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8%; 17.353 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 38.680 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31,34% so với năm 2023.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì số liệu thu ngân sách năm 2024 ước đạt 2,025 triệu tỷ đồng, vượt 19,1% so dự toán (324,4 nghìn tỷ đồng), tăng 15,5% so với năm 2023 là vấn đề cần được bàn thảo để có giải pháp thích hợp cho năm 2025 mới bảo đảm định hướng tăng GDP 8% trở lên của năm nay và hai con số của những năm tiếp theo.

Hạn chế đánh thuế để hỗ trợ doanh nghiệp

Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là một loại thuế gián thu đánh vào số ít mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng thích ứng với từng giai đoạn phát triển đất nước, được điều chỉnh khi thu nhập của các tầng lớp dân cư tăng lên, do đó một vài mặt hàng trước đây chịu thuế được loại bỏ do đã trở thành nhu cầu của đại bộ phận dân cư như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, ngược lại một số mặt hàng bổ sung vào danh mục chịu thuế do mới được sản xuất như thuốc lá điện tử.

459104908_-9204-1677472874_860x0.jpg
Việc tăng Thuế TTĐB thời điểm hiện tại đối với một số mặt hàng sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.

“Thuế TTĐB đóng góp quan trọng vào thu ngân sách nhà nước, do đó Chính phủ phải cân nhắc thận trọng khi thay đổi chính sách và phương thức đánh thuế, vừa hạn chế hợp lý nhu cầu một số mặt hàng, vừa tăng thu ngân sách để bảo đảm chi tiêu thường xuyên, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đầu tư phát triển và dự trử quốc gia”, GS Nguyễn Mại cho hay.

GS Nguyễn Mại cho rằng, đánh thuế cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng. Khi thực hiện hoàn thiện chính sách tài khoá, bao gồm hệ thống thuế, Nhà nước cần coi tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng sản xuất là một động lực tăng trưởng quan trọng. Nếu chúng ta tiếp tục xu hướng tăng thuế, chắc chắn sẽ đánh vào không chỉ doanh nghiệp mà còn đánh vào động lực quan trọng nhất của kinh tế quốc gia, đó là tiêu dùng”.

Đảng và Chính phủ chủ trương tốc độ tăng GDP năm 2025 tăng từ 8% trở lên, tạo tiền đề để tăng trưởng hai con số trở thành hiện thực thì một trong những nhân tố quan trọng là cùng với tháo gỡ những điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế, thì chính sách tài khoá, bao gồm chính sách thuế nội địa và thuế quan phải bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà nước với doanh nghiệp, vừa tăng thu ngân sách hợp lý, vừa tạo điều kiện tích luỹ vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới, chi phí đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thực hiện sản xuất xanh, kinh doanh xanh.

Việc tăng Thuế TTĐB thời điểm hiện tại đối với một số mặt hàng sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương.

Theo đó, GS Nguyễn Mại kiến nghị hoãn áp thuế TTĐB trong 2 - 3 năm tới, nhằm giúp doanh nghiệp tích lũy vốn, nhanh chóng đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, GS Nguyễn Mại cũng đồng tình với ban soạn thảo Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là áp dụng thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá, xì gà, bên cạnh phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm như hiện hành. Ông còn đề xuất đánh thuế nhiều hơn và nhanh hơn đối với các sản phẩm này, ở mức 20.000-30.000 đồng/bao thuốc lá nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá. Tăng thuế đối với thuốc là không chỉ vì tăng thu thuế, mà còn vì sức khỏe của cộng đồng và thế hệ trẻ.

Đối với mặt hàng điều hoà nhiệt độ, ông không tán thành áp thuế TTĐB với loại hàng hóa này, bởi các thiết bị hiện đại hiện sử dụng khí làm lạnh hiện đại không ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với nước giải khát có đường, GS Nguyễn Mại đề nghị không đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

Chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường

Đồng quan điểm, chuyên gia Kinh tế TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường bởi những lý do:

Thứ nhất, doanh nghiệp ngành nước giải khát (NGK) liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành NGK suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

17.jpg
Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần, từ đó có sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Thứ hai, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như cơ quan soạn thảo đề xuất thì các doanh nghiệp NGK sẽ cùng lúc chịu thêm các sức ép lớn từ việc tăng chi phí nguyên liệu sản xuất do giá đường tăng; tăng giá bán do tăng chi phí, do áp thuế TTĐB. Đồng thời, doanh nghiệp ngành NGK cũng sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế khi mặt hàng NGK có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Thứ ba, nếu áp thuế TTĐB 10% đối với mặt hàng NGK có đường sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như quy mô sản xuất, sản lượng, giá trị gia tăng, lợi nhuận, thu nhập, lao động và cả nguồn thu Ngân sách nhà nước (NSNN) (về trung và dài hạn). Theo đó, cả 25 ngành trong nền kinh tế sụt giảm về giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất, dẫn tới giảm GDP của nền kinh tế. Điều này khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm; doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm và giảm thu nhập của người lao động.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB như Dự thảo Luật (lần 5) cần cân nhắc kỹ lưỡng mức thuế suất, thời gian áp dụng và làm rõ phạm vi đối tượng (trong cả văn bản luật, văn bản hướng dẫn và công tác thông tin, tuyên truyền).

Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần, từ đó có sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Cụ thể, với giả định áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ dẫn tới thiệt hại đối với giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế là khoảng 55.519 tỷ đồng, tương đương với mức sụt giảm 0,164%; tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương với sụ giảm về GDP khoảng 0,448%.

Ngoài ra, cần tính đến tác động của việc áp thuế TTĐB đối với nhà sản xuất trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Những năm qua một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhà máy sản xuất nước ngọt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Trường hợp đầu tư tại các địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng Thuế TTĐB: Tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO