Để đảm bảo các chính sách phù hợp với thực tế phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) phải tích hợp và hài hoà nhiều biện pháp khác nhau…
Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày hôm nay 27/11. Và một trong những nội dung nhận được sự quan tâm chú ý tại Luật (sửa đổi) lần này là việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất.
Cụ thể, Phương án 1 - sẽ tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 90%; Phương án 2 - sẽ tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 100%.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, Báo cáo đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia Việt Nam cho thấy, việc tăng thuế theo 2 phương án Bộ Tài chính đề xuất sẽ có tác động kinh tế - xã hội trực tiếp tới ngành bia và 21 ngành liên quan khác và tăng trưởng GDP, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu ngân sách Nhà nước…
Theo bà Thảo, kết quả báo cáo chỉ ra, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách Nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong các phương án đều tăng, nhưng nguồn thu từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn và không bền vững, thuế trực thu giảm.
Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động khi lao động trong ngành bia chiếm hơn 50% tổng lao động của ngành đồ uống, hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
“Để có một phương án phù hợp nhất, cần có một báo cáo đánh giá định lượng toàn diện các tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế và an sinh xã hội, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa các mục tiêu để bổ sung thêm thông tin giúp Quốc hội, Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách xem xét một phương án tăng thuế phù hợp”, bà Thảo chia sẻ.
Bên cạnh nội dung đã nêu, một trong những điểm đáng chú ý của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu để hạn chế người sử dụng.
Góp ý về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhấn mạnh, thuế chỉ là một trong những biện pháp can thiệp. Điều quan trọng là các cơ quan phải tích hợp và hài hoà nhiều biện pháp khác nhau. Các biện pháp này phải đảm bảo hướng người dân tới việc tiêu dùng có trách nhiệm, không chỉ với rượu, bia mà nhiều sản phẩm thực phẩm khác nếu dùng quá nhiều, dùng vượt ngưỡng thì rất có hại cho sức khỏe.
Do đó, nhà sản xuất, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra khuyến nghị cho người sử dụng một cách chi tiết về hàm lượng, mức độ sử dụng như thế nào thì có lợi, như thế nào thì có hại cho sức khoẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng, lựa chọn của người tiêu dùng không đơn thuần co giãn theo giá mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như biện pháp hành chính, tuyên truyền, giáo dục...
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, không nên quá kỳ vọng sẽ giảm tiêu dùng rượu, bia thông qua thuế vì thói quen của người tiêu dùng khó thay đổi, có chăng chỉ là thay đổi hành vi tiêu dùng.
Dẫn chứng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng bia như một nét văn hóa, giải khát. Nhiều quốc gia trên thế giới phát triển các sản phẩm bia để thúc đẩy du lịch. Vị chuyên gia này bày tỏ, nếu tăng thuế thì người có thu nhập cao vẫn sẽ chi trả được. Còn những người thu nhập thấp thì tìm sản phẩm giá rẻ hơn ở các khu vực sản xuất phi chính thức như làm bia rượu theo cách thức thủ công hoặc nhập lậu.
“Do đó, để giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia cần sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp chứ không chỉ tăng thuế”, bà Cúc bày tỏ.
Đồng thời cho hay, các cơ quan liên quan đến sức khoẻ, bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất phải tích cực truyền thông tới người tiêu dùng văn hoá uống có trách nhiệm; uống đến mức nào được coi là lạm dụng, sản phẩm nào gây hại cho sức khoẻ cần làm rõ để đảm bảo lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Xoay quanh nội dung về tăng thuế tiêu thụ với mặt hàng bia, rượu, không ít ý kiến cũng cho hay, phương án tăng thuế phải đạt được mục tiêu giảm nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước, phải chính xác, thuyết phục và công bằng để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là khi các doanh nghiệp đang khó khăn. Vì vậy, cần có thêm các đánh giá, ý kiến tham khảo để từ đó đưa ra một phương án phù hợp nhất trong quá trình hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Ngoài bia, rượu, đề xuất áp thuế tiêu đặc biệt đối với các mặt hàng: điều hòa nhiệt độ; thuốc lá; nước giải khát có đường hàm lượng 5g/100ml; xe ô tô bán tải Pick-up trong Dự án Luật (sửa đổi) lần này cũng để lại không ít băn khoăn và các ý kiến trái chiều.
Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đưa ra.