Bốn “ông lớn” ngân hàng tăng lãi suất huy động là chỉ báo cho thấy thị trường đã vào cuộc đua nước rút của mùa kinh doanh cuối năm và cũng là một bước lo toan sớm của hệ thống ngân hàng.
VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã tăng lãi suất huy động, có cả kỳ hạn dài lẫn kỳ hạn ngắn, có ngân hàng tăng lãi suất đến 3 lần chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua.
Chủ động đẩy lãi suất
Khác với nhận định của nhiều tổ chức cho rằng hệ thống ngân hàng bắt đầu gặp khó khăn về thanh khoản nên bắt buộc phải tăng lãi suất huy động, ghi nhận từ chính nội tại nhiều ngân hàng cho thấy chưa có dấu hiệu khó khăn hay các ngân hàng chịu áp lực lớn về thanh khoản.
Ngoại trừ tháng 9, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng được đẩy lên mức cao sau nhiều tháng quanh ngưỡng 2%, đã vọt trên 5%; thông tin hoạt động của NHNN công bố tuần gần nhất từ 1-5/10/2018 cho thấy, đối với các giao dịch bằng VND: So với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần tuy có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt nhưng lại vẫn duy trì thấp hơn so với tháng 9. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng tăng lần lượt 0,68%/năm; 0,65%/năm và 0,53%/năm lên mức 3,16%/năm; 3,34%/năm và 4,03%/năm. Đây là mức được cho là tạo độ chênh lệch an toàn 2% cho lãi suất USD.
Với chiến tranh thương mại, nỗi lo tỷ giá và nỗ lực của NHNN để ổn định tỷ giá, lãi suất cho vay sẽ không thể ra khỏi vòng “cương tỏa” mục tiêu, nhưng cũng sẽ được điều chỉnh trên toàn hệ thống.
Trên thực tế, cũng theo thông tin từ NHNN, giao dịch lãi suất liên ngân hàng bằng đồng USD tuy cũng có xu hướng tăng nhẹ, nhưng vẫn dao động ở mức có khoảng chênh lệch vừa đủ, với 2,25%-2,39% tùy kỳ hạn. Đáng chú ý, thống kê giao dịch trong tuần bằng VND và bằng USD quy đổi bằng VND đều giảm lần lượt 13.223 tỷ đồng/ngày và 5.192 tỷ đồng/ngày tính theo mức bình quân ngày so với tuần của tháng 9. Cùng với đó, với chủ trương không nới hạn mức tín dụng đã được ấn định trước, tăng trưởng tín dụng cũng đang nằm trong mức kiểm soát và theo mục tiêu của cơ quan quản lý. Do đó, các chuyên gia nhận định không có lý do để nói rằng các ngân hàng vào cuộc đua lãi suất như một chỉ báo căng thẳng thanh khoản. Việc NHNN chủ động đẩy lãi suất lên cao, thông qua việc điều tiết xu hướng lãi suất toàn thị trường bằng dẫn dắt của 4 ông lớn ngân hàng, như theo nhận định của Cty Chứng khoán SSI, để giảm áp lực tỷ giá, là hoàn toàn có cơ sở.
Nỗi lo toan sớm
Theo nhận định của UOB (Singapore), về chính sách tiền tệ, NHNN dự kiến duy trì ổn định lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25% cho đến cuối năm nay. Với tỷ lệ chuẩn hiện tại, chính sách tiền tệ vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh tế. Sức tăng trưởng mạnh giúp giảm bớt áp lực lên chính phủ và NHNN trong việc ban hành thêm các chính sách, hoạt động kích thích tăng trưởng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018. Điều này dẫn kết quả là NHNN có thể bỏ qua chính sách cắt giảm lãi suất, kể cả khi các NHTW khác trên khu vực châu Á bắt đầu thực hiện bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng cách tăng nhẹ lãi suất.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 16/10/2018
11:01, 15/09/2018
16:00, 26/08/2018
Một chuyên gia lưu ý, ngoài các yếu tố kể trên, tại Việt Nam, quan sát chính sách tiền tệ vào quý cuối ở các năm cho thấy, NHNN thường có bước điều chỉnh tỷ giá nhất định và trong giới hạn dao động đã tính toán sẵn, hệ thống ngân hàng, đặc biệt các TCTD nhỏ cũng đồng thời điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm để gia tăng tổng huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn trung và dài hạn, nhằm có sẵn ‘bước đệm” cho thanh khoản và nền tảng cho hạn mức tín dụng ở năm kế tiếp.
Cũng theo vị này, thông thường, lãi suất huy động tăng sẽ dẫn đến xu hướng lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh tăng, tuy nhiên có độ trễ hay điểm rơi nhất định. Dù vậy, theo thống kê của Cty Chứng khoán HSC, trong tháng 8 và 9, lãi suất cho vay ở 1 số ngân hàng đã nhích tăng nhẹ, không phản ánh xu hướng điều chỉnh trên toàn hệ thống mà mang tính cục bộ. Với các diễn biến của chiến tranh thương mại, nỗi lo tỷ giá và nỗ lực của NHNN để ổn định tỷ giá, có khả năng lãi suất cho vay sẽ không thể ra khỏi vòng “cương tỏa” mục tiêu, nhưng cũng sẽ được điều chỉnh với độ phủ rộng hơn trên toàn hệ thống.