G7 áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga; Liban tuyên bố phá sản; Thảm sát tại Bucha; Nước Pháp chuẩn bị cho cuộc bầu cử... là những tin đáng chú ý trong tuần này.
>>Nhịp sống thế giới từ 21-26/3
1. G7 áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga
Các nhà lãnh đạo G-7 nhất trí cấm "các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng", cùng với việc mở rộng lệnh cấm xuất khẩu đối với một số hàng hóa và tăng cường hạn chế các ngân hàng và công ty nhà nước của Nga. Đồng thời, cam kết hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia láng giềng của Ukraine, những quốc gia đang tiếp nhận dòng người di cư, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho những người rời khỏi Ukraine.
2. Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đám phán
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, nhấn mạnh rằng tháng 4 là thời điểm "then chốt" đối với an ninh khu vực. Ông nhấn mạnh rằng nếu Bình Nhưỡng tiếp tục từ chối đối thoại sẽ rất bất lợi không chỉ đối với Triều Tiên mà đối với cả tương lai của Hàn Quốc.
3. Canada ra dự luật buộc các "gã khổng lồ" công nghệ trả phí tin tức
Chính phủ Canada đã trình Quốc hội dự luật C-18 quy định những "gã khổng lồ" công nghệ, như Facebook và Google, phải trả phí cho các cơ quan truyền thông Canada về nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng toàn cầu. Dự luật C-18 tạo ra một khuôn khổ để các hãng tin có thể đàm phán tập thể với các công ty công nghệ về thỏa thuận chia sẻ doanh thu quảng cáo trực tuyến trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận riêng.
4. Indonesia sẽ miễn thị thực cho công dân các nước ASEAN
Indonesia sẽ áp dụng lại chính sách miễn thị thực cho công dân đến từ các nước ASEAN trong bối cảnh nước này bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế, khi số mắc mới COVID-19 giảm dần. Indonesia thông báo du khách nước ngoài sẽ không phải xét nghiệm PCR tại điểm đến, nếu nhiệt độ cơ thể không vượt quá mức cho phép.
5. Liban tuyên bố phá sản, lâm vào khủng hoảng tài chính
Liban đang trong một cuộc khủng hoảng tài chính và thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng. Các chuyên gia tài chính đã cáo buộc các ngân hàng thương mại gửi ngoại tệ của các khách hàng vào ngân hàng trung ương của nước này để đổi lấy lãi suất cao. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Liban đã sử dụng tiền gửi của khách hàng để ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ và hỗ trợ cho việc bù đắp thâm hụt ngân sách của nhà nước.
>>Nhịp sống thế giới từ 28/3-2/4
6. Ấn Độ tái khẳng định quan hệ kinh tế với Nga
Ấn Độ và Nga đang làm việc để hoàn thiện một cơ chế thanh toán nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại song phương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trọng tâm của New Delhi là duy trì và ổn định các mối quan hệ kinh tế đã thiết lập với Nga, trong đó có các giao dịch năng lượng hợp pháp.
7. Nước Pháp chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đua vào Điện Élysée
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đến thời điểm này, Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu, nhưng với khoảng cách khá sít sao so với ứng viên cực hữu thuộc đảng Tập hợp quốc Gia Marine Le Pen. Cách xa hơn là ứng cử viên cánh tả, ông Jean-Luc Melenchon. Các ứng viên khác như ông Eric Zemmour, bà Valérie Pécresse hay ông Fabien Roussel, cũng là những gương mặt nổi trội, trong tổng số 12 gương mặt tranh cử của vòng bầu cử đầu tiên này.
8. EU thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga
Liên minh châu Âu đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này. Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ euro cho Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao, và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga.
9. Liên Hợp Quốc đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền
193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu tại trụ sở ở New York, Mỹ. Trong đó, 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 24 nước bỏ phiếu chống và 58 nước bỏ phiếu trắng. Số phiếu thuận đã vượt mức 2/3 cần thiết để đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền (các nước bỏ phiếu trắng không được tính).
10. Thảm sát tại Bucha
Ukraine cáo buộc Nga đã sát hại gần 300 dân thường vô tội ở Bucha. Tuy nhiên, Nga khẳng định không hề có hành động bạo lực với dân thường trong thời gian kiểm soát thị trấn gần thủ đô Kiev này. Trước mắt, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về thương vong tại Bucha, trong khi đó, Liên minh châu Âu và Mỹ đã tung ra gói trừng phạt mới với Nga.
Có thể bạn quan tâm