Nhịp sống thế giới từ 28/3-2/4

CẨM ANH 02/04/2022 08:42

Hàn Quốc tạo điều kiện cho lao động nước ngoài; đàm phán Nga-Ukraine đạt tín hiệu tích cực; Mỹ giảm thâm hụt thương mại; Saudi Arabia ký nhiều thỏa thuận... là những tin đáng chú ý.

>>Nhịp sống thế giới từ 21-26/3

1. Saudi Arabia ký thỏa thuận trị giá hơn 4,2 tỷ USD tại Hội nghị Doanh nhân Toàn cầu

Quốc gia này đã ký hơn 30 thỏa thuận và sáng kiến trị giá hơn 4,2 tỷ USD trong ngày đầu tiên của Hội nghị Doanh nhân Toàn cầu (GEC) vừa diễn ra ở thủ đô Riyadh. Bên cạnh đó, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Saudi Aramco của Saudi Arabia cũng đã ký 10 biên bản hợp tác và hai thỏa thuận với các công ty trong nước và quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, công nghệ thông tin và phát triển quốc gia.

2. Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc (MOEL) và Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MOJ) đã công bố quyết định gia hạn thời gian cư trú, xin việc cho người lao động nước ngoài. Những người lao động nước ngoài hợp pháp diện visa E9 ở Hàn Quốc có thời hạn hợp đồng kết thúc trong khoảng thời gian từ ngày 13/4/2022 đến ngày 31/12/2022 (bao gồm lao động hết hạn 3 năm và 4 năm 10 tháng) chưa từng được gia hạn thời gian cư trú trước đó sẽ được gia hạn thời gian lưu trú và xin việc thêm 1 năm.

3. Mỹ: Thâm hụt thương mại giảm sau khi leo cao kỷ lục

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/3, trong tháng hai vừa qua, thâm hụt thương mại giảm 0,9% xuống 106,6 tỷ USD, sau khi leo cao kỷ lục. Trước đó, Mỹ chứng kiến mức thâm hụt thương mại trong tháng 12/2021 tăng cao kỷ lục và lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Một số chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng nhu cầu tăng mạnh và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã khiến nhập khẩu hàng hóa tăng vượt xa xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại đạt mức cao nhất từ trước tới nay. 

4. Chiến lược phong tỏa mới của Trung Quốc

Phong tỏa ngắn ngày sẽ là chiến lược phổ biến của Trung Quốc trước thềm Đại hội đảng Cộng sản, khi Bắc Kinh cố gắng ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất trong hai năm qua. Cách tiếp cận này sẽ có tác động nhỏ hơn đến hoạt động của thành phố khi một bên tiếp tục hoạt động, còn một bên tạm đóng cửa để xét nghiệm.

>>Nhịp sống thế giới từ 14-19/3

5. Nga và Trung Quốc nhất trí tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov diễn ra ngày 30/3 tại tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác trong bối cảnh quốc tế mà Moskva mô tả là “khó khăn”. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong chính sách đối ngoại và có chung tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu. 

6. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới Iran

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, ông Mohammad Ali Hosseini cùng các công ty thu mua vật liệu của ông có liên quan tới nhiên liệu dùng để đẩy tên lửa đạn đạo của một đơn vị trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn phụ trách hoạt động nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào công ty Parchin Chemical Industries của Iran.

7. Mỹ cân nhắc thay đổi chính sách thương mại đối với Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã kêu gọi Mỹ nên tập trung vào các chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước, thay vì gây áp lực để Trung Quốc thay đổi các chính sách thương mại "không công bằng". Bà Katherin Tai cho rằng Mỹ cần thừa nhận những hạn chế của thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" và các nhà lập pháp cần đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ giá trị và lợi ích kinh tế của Mỹ trước những tác động tiêu cực từ các chính sách thương mại "không công bằng" của Trung Quốc.

8. Dầu mỏ Nga hướng sang thị trường Đông Nam Á

Giữa lúc các nước phương Tây tẩy chay mua năng lượng từ Nga, một số đối tác châu Á, sau Ấn Độ và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga, nhất là khi Nga giảm mạnh giá dầu xuất khẩu. Cụ thể, Đông Nam Á đang trở thành thị trường tiềm năng mà Nga hướng đến trong việc bán dầu thô.

9. Tổng thống Nga ký sắc lệnh yêu cầu thanh toán tiền khí đốt bằng đồng ruble

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu bên mua nước ngoài phải thanh toán bằng đồng ruble để mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4 tới và các hợp đồng sẽ bị tạm đình chỉ nếu các khoản thanh toán này không được thực hiện. Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là lỗi từ phía người mua.

10. Tín hiệu tích cực nhất trong đàm phán Nga-Ukraine

Sau khi vòng đàm phán thứ 5 giữa Nga và Ukraine kết thúc, một thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này sẽ “giảm hoạt động quân sự” gần Kyiv và thành phố Chernihiv ở miền Bắc Ukraine để xây dựng niềm tin. Cùng ngày, quan chức Ukraine cũng lần đầu tiên đặt ra khả năng nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ, bao gồm về quy chế pháp lý cho bán đảo Crimea. Vấn đề vùng Donbas có thể sẽ do lãnh đạo hai nước trao đổi, theo một cố vấn cho tổng thống Ukraine.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhịp sống thế giới từ 21-26/3

    Nhịp sống thế giới từ 21-26/3

    02:03, 26/03/2022

  • Nhịp sống thế giới từ 14-19/3

    Nhịp sống thế giới từ 14-19/3

    03:03, 19/03/2022

  • Nhịp sống thế giới tuần từ 7-11/3

    Nhịp sống thế giới tuần từ 7-11/3

    03:00, 12/03/2022

  • Nhịp sống thế giới từ 28/2 - 5/3

    Nhịp sống thế giới từ 28/2 - 5/3

    03:57, 05/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhịp sống thế giới từ 28/3-2/4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO