Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ CUỐI): Bao giờ lại thấy “ánh dương”?

TUẤN VỸ 01/03/2024 11:17

Hàng loạt giải pháp gỡ vướng được đề xuất và chính quyền Quảng Nam đang tích cực tìm phương án tháo gỡ mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nơi đây.

>>Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ

Để doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn thoát cảnh “sa lầy”, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được tổng hợp, gửi đến chính quyền tỉnh Quảng Nam để xem xét thực hiện. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp mong sớm được gia hạn tiến độ dự án, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), giãn thuế, mở thêm gói vay,...

Chờ động thái quyết liệt từ địa phương

Sau những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn 1077/UBND-KTTH về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản trên địa bàn.

Cụ thể, các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan căn cứ nội dung kiến nghị, đề xuất về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản.

Hành động quyết liệt của địa phương cũng như

Hành động quyết liệt của địa phương cũng như tín hiệu thị trường hoạt động trở lại đã tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp 

Động thái của tỉnh Quảng Nam cũng đã tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS trên địa bàn. Cùng với đó, doanh nghiệp và địa phương cũng đang kỳ vọng vào Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu trong lĩnh vực bất động sản.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 mới đây, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định trong năm nay địa phương sẽ tích cực, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Theo ông Lê Trí Thanh, hiện tại Quảng Nam đang nỗ lực khắc phục các tồn tại mà Kết luận của Ủy Ban kiểm tra Trung ương nêu ra và tiếp tục chờ Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Quảng Nam cho rằng địa phương sẽ tích cực tháo gỡ các vấn đề thuộc thẩm quyền. Đồng thời, vị này cũng đã chỉ đạo trực tiếp các Sở, ngành liên quan rà soát ý kiến của doanh nghiệp để tham mưu giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.

“Quảng Nam đang xây dựng kế hoạch khắc phục kết luận Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, các việc làm sai quy định đã có định hướng để khắc phục. Sắp tới sẽ hoàn chỉnh để báo cáo Thường vụ tỉnh ủy cho ý kiến, sau đó phê duyệt trên tinh thần tháo gỡ được sẽ tháo gỡ. Trong đó, các dự án không vướng mắc sẽ tiếp tục triển khai, những dự án vướng sẽ đưa vào kế hoạch để tập trung tháo gỡ. Khẳng định rằng, tỉnh Quảng Nam luôn luôn tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Thanh nhấn mạnh.

Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường

Khảo sát của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group) cho thấy, trong năm 2023, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận đón nhận tín hiệu khả quan về nguồn cung và sức cầu ở phân khúc căn hộ. Bước sang năm 2024, trước những động thái tích cực về việc tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục pháp lý dự án bất động sản, giảm lãi suất cho vay, cũng như “độ ngấm” của các chính sách Nhà nước,… kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường.

DKRA Group cũng chỉ ra giao dịch tập trung ở những dự án tầm trung, mức giá từ 50 - 60 triệu đồng/m2, đã hoàn thiện pháp lý, được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, tiềm lực tài chính mạnh. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng nhẹ 3% - 5% ở những phân kỳ tiếp theo của dự án nhưng được hỗ trợ bằng nhiều chính sách như chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, lãi vay,… từ chủ đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ vào những động thái quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành đã giúp thị trường BĐS khôi phục trở lại. Dự báo, thị trường BĐS sẽ có thể tích cực trở lại từ giữa năm 2024, cụ thể là quý II/2024.

Chủ đầu tư các dự án đều đang chờ được gỡ vướng để hoàn thiện dự án đúng tiến độ.

Chủ đầu tư các dự án đều đang chờ được gỡ vướng để hoàn thiện dự án đúng tiến độ.

Giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp BĐS sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức đan xen. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường bắt nguồn từ những diễn biến tích cực cuối năm 2023 và một số dự án đã được chủ đầu tư bắt đầu triển khai mạnh mẽ trở lại, dòng vốn đã và đang quay trở lại thị trường BĐS.

Qua các sự kiện trên đã tạo niềm tin và là bước đệm cho sự chuyển mình của thị trường BĐS, dự báo bức tranh BĐS sẽ có thêm nhiều điểm sáng và vực dậy trong năm 2024. Theo dự báo, thị trường BĐS sẽ chứng kiến sự gia tăng về nhu cầu về nhà ở, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ tiếp tục tạo động lực cho thị trường phát triển mạnh mẽ.

Tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, các sản phẩm BĐS đang rục rịch khởi động, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại tuyển dụng nhân sự để triển khai chương trình, mục tiêu. Theo ghi nhận, các nhà đầu tư phía Bắc ưa chuộng Đà Nẵng, Quảng Nam bởi hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Ông Hà Thân Thúc Luân - Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc First Real nhận định: Quảng Nam – Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư vì có đủ hệ thống hạ tầng giao thông, cầu cảng, sân bay quốc tế đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, từ đây tạo nền tảng cho thị trường bất động sản khu vực phát triển, hướng đến nhu cầu đầu tư chắc chắn với tiềm năng sinh lời cao. Cùng với đó là các khu công nghiệp, khu du lịch và cú hích về hạ tầng giao thông sẽ góp phần tích cực giúp cho thị trường bất động sản dần “ấm” lên.

“Để kỳ vọng một sự đột phá cho thị trường bất động sản trong ngắn hạn thì đương nhiên khó nhưng trong dài hạn điều đó là hoàn toàn có thể”, ông Luân chia sẻ.

a

Những bất động sản nhà ở có mức giá phù hợp hay phân khúc có nhu cầu ở thực sẽ được ưu tiên lựa chọn

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản nhìn nhận giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp BĐS tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng cần phải tái cấu trúc, cần cân đối nguồn vốn, có thể chấp nhận hạ giá thành để cấu trúc lại dòng tiền, tài chính. 

Đối với lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Lập cho rằng cần hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho việc tháo gỡ, xử lý các dự án tồn đọng dở dang, giúp nhà đầu tư có cơ sở pháp lý cơ bản để thực hiện tái cấu trúc thông qua các hoạt động M&A, giúp họ vượt qua khó khăn. “Tránh để nhà đầu tư thiệt thòi khi bị tác động tiêu cực từ các chính sách mới trong giai đoạn chuyển tiếp”, ông Lập nói.

Thời gian tới, những dự án bất động sản nhà ở có mức giá phù hợp với tài chính và nhu cầu của người dân tại trung tâm thành phố và ven trung tâm hay những phân khúc có nhu cầu ở thực, tính thanh khoản cao, mang lại dòng tiền ổn định (nhà ở xã hội, căn hộ hạng C, Hạng B, đất nền tại các vị trí gần các trung tâm kinh tế lớn đầy đủ tiện ích, có thể xây nhà ở hoặc kinh doanh được ngay,...) sẽ tiếp tục dẫn dắt đà hồi phục thị trường trong tương lai.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký, ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, trong đó tạo thêm động lực để “đánh thức” thị trường bất động sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Nốt trầm của bất động sản Quảng Nam (Bài 3): Nhiều kiện tụng kéo dài

    Nốt trầm của bất động sản Quảng Nam (Bài 3): Nhiều kiện tụng kéo dài

    21:29, 27/02/2024

  • Nốt trầm của bất động sản Quảng Nam (Bài 2): Loạt doanh nghiệp “sa lầy”

    Nốt trầm của bất động sản Quảng Nam (Bài 2): Loạt doanh nghiệp “sa lầy”

    21:17, 27/02/2024

  • Nốt trầm của bất động sản Quảng Nam (Bài 1): Qua rồi thời hoàng kim

    Nốt trầm của bất động sản Quảng Nam (Bài 1): Qua rồi thời hoàng kim

    21:06, 27/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nốt trầm bất động sản Quảng Nam (KỲ CUỐI): Bao giờ lại thấy “ánh dương”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO