Phát triển NLTT là hướng đi phù hợp với xu thế và là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Tuy nhiên, để NLTT phát triển cần có thêm cơ chế, chính sách phù hợp.
>>Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều rào cản
Nhiều doanh nghiệp đầu tư NLTT gặp khó
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng phát triển chiến lượng năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã mở ra những cơ hội mới to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Nhà nước cũng đã có các chính sách ưu đãi về giá, cơ chế giá FIT theo Quyết định 11 là 9,35cent/kWh và theo Quyết định 13 là 7,09 cent/kWh đối với điện mặt trời mặt đất; đối với điện áp mái là 8,38 cent/kWh và điện gió là 8,9 cent/kWh nhằm thu hút các nhà đầu tư. Do vậy, những năm gần đây, rất nhiều tập đoàn, chủ đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này tạo nên sự bùng nổ về năng lượng tái tạo (NLTT).
Theo báo cáo, hiện Việt Nam hiện có 70 dự án điện gió với công suất 3987MW đã vận hành thương mại. Sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kW, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Sản phẩm điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% sản lượng điện sản xuất trên toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321MW.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư NLTT cho biết, hiện nay không ít nhà đầu tư đang phải nếm trái đắng khi không kịp hưởng giá FIT. Những doanh nghiệp kịp hưởng giá FIT thì phải cắt giảm lượng công suất.
Khó chồng khó, từ các nhà đầu tư lớn nhỏ ngành NLTT đều đồng loạt kêu cứu Chính phủ. Nguyên nhân là bởi các dự án phải “đắp chiếu”, không thể đi vào hoạt động. Mặc dù nguồn thu không có, nhưng nguồn chi liên quan thì không thể dừng từ phí nhân công vận hành, bảo vệ an ninh trật tự dự án, bảo trì bảo dưỡng thiết bị, lãi ngân hàng…
Trong khi nước ta đang cần rất nhiều điện, thậm chí có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới thì các dự án điện lại đang bị gián đoạn, đang trong thời gian “ngủ đông” chờ cơ chế. Mà các cơ chế giá, cơ chế đấu thầu, đấu giá trong các dự án năng lượng bị nghẽn thì gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư. Có thể thấy, mặt hàng điện thì hiện tại chưa có phương án tích trữ, mà chúng ta đang phải bỏ đi rất nhiều như vậy, nó thực sự là một sự lãng phí, một sự lãng phí cho nền kinh tế, cho xã hội, lãng phí nguồn nhân lực huy động từ tư nhân.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Khi các dự án hiện nay gần như đang bị dừng, về mặt kỹ thuật mà nói thì ảnh hưởng rất nhiều đến thiết bị. Còn về mặt thương mại thì có thể nói dự án dừng, doanh thu không có trong khi phải trả tất cả các khoản phí liên quan đến dự án cũng như lãi và nợ ngân hàng. Chúng tôi mong muốn dự án đã hoàn thành sẽ nhận được các cơ chế về giá điện cụ thể để doanh nghiệp có thể triển khai vận hành”.
>>> Khơi thông nguồn vốn quốc tế cho năng lượng tái tạo
>>>Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản
Cần thêm cơ chế, chính sách phù hợp
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp đầu tư NLTT, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có công văn chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tại văn bản số 5047 ngày 9/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.
Ngày 5/10, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định về phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các Nhà máy điện mặt trời mặt đất, Nhà máy điện mặt trời nổi, Nhà máy điện gió trong đất liên, Nhà máy điện gió trên biển. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được yêu cầu lựa chọn thông số, tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió theo quy định tại Thông tư, trình Cục Điều tiết Điện lực kiểm tra, thẩm định và báo cáo Bộ Công Thương xem xét để ban hành khung giá.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các dự án nhiệt điện dùng than nhập khẩu tại Việt Nam có giá lên tới xấp xỉ 4.000 đồng/kWh thì dù điện mặt trời và điện gió không thể chạy với thời gian ổn định và dài như điện than, thì mức giá khoảng 2.500 - 2.800 đồng/kWh hiện nay của điện mặt trời vẫn rẻ hơn. Từ đó, góp phần tiếp sức cho hệ thống điện đang phải đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định mà tiếp tục không được tăng giá bán lẻ bình quân đã có từ năm 2019.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế đấu thầu, hồ sơ các nhà đầu tư phải đảm bảo sự minh bạch. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà đầu tư và khách hàng tiêu thụ điện với mục tiêu giá điện phải sát và rẻ để phù hợp với công nghệ và khả năng chịu đựng chi trả của người tiêu dùng sử dụng điện.
Theo ý kiến của các chuyên gia ngành năng lượng khẳng định hiện tại không có nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, đề xuất của EVN về việc các nhà máy NLTT chuyển tiếp tham gia thị trường điện có thể phù hợp trong thời điểm hiện nay. Do đó, trong khi chờ các cơ chế, chính sách mới, các nhà đầu tư nên cân nhắc việc tham gia thị trường điện bởi các quy định, hướng dẫn để các dự án NLTT như điện gió và điện mặt trời tham gia vào thị trường điện đã có đầy đủ. Cùng với đó là việc EVN sẵn sang phối hợp với các nhà đầu tư xin ý kiến Bộ Công thương để các nhà đầu tư NLTT sớm được tham gia thị trường điện.
“Mặc dù vậy, vẫn còn thách thức là các nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp muốn tham gia thị trường điện cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như đầu tư bổ sung các hệ thống thiết bị đo đếm, kết nối để đáp ứng các yêu cầu tham gia thị trường điện”, chuyên gia Bùi Văn Thịnh nhận định.
Cũng theo ông Thịnh, để chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam tới đây trơn tru, hiệu quả và tiết kiệm thì việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực phải là trụ cột. Đặc biệt, là phải cụ thể hóa được chính sách, đưa chính sách đi vào thực tế cuộc sống đúng như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: tăng trưởng xanh, phát triển xanh và chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi
03:50, 10/08/2022
Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp
03:50, 11/08/2022
PVN kiến nghị cơ chế phát triển năng lượng tái tạo
03:30, 27/06/2022
Hải Phòng: Xúc tiến đầu tư năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp
14:42, 29/06/2022
Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản
17:10, 02/07/2022