Doanh nghiệp cần gì trong “cuộc đua” vào lĩnh vực chế biến ngành nông nghiệp?
Cơ chế ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc chế biến, ưu đãi tiếp cận vốn, đất đai…là những điều doanh nghiệp cần cho hướng phát triển “xuất” ít mà “thu”nhiều của ngành nông nghiệp.
Sau nhiều “ông lớn” đầu tư làm nông nghiệp thành công như Vingroup, Tập đoàn TH, Doveco, Thaco cũng vừa động thổ Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc bộ, quy mô 194,36 ha tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong chế biến
Được biết, dự án của Thaco bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực, thực phẩm.
Trước đó, Thaco đã đầu tư vào Hoàng Anh nông nghiệp Gia Lai với tổng số tiền gần 10 ngàn tỷ đồng để tái cơ cấu nợ, thay đổi sản phẩm thông qua chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cọ dầu, phần lớn cây cao su sang cây ăn trái nhiệt đới các loại.
Trong năm 2019, Thaco dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây, đạt doanh thu khoảng 250 triệu USD. Năm 2020 dự kiến sản lượng xuất khẩu trái cây trên 800.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 600 triệu USD và hướng đến 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021.
Không chịu đứng ngoài "cuộc đua", mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng bước chân vào nông nghiệp với dự án có quy mô vốn tới 3.300 tỷ đồng tại Quảng Nam.
Dự án của T&T có tổng diện tích đất sử dụng hơn 278 ha bao gồm khu dịch vụ hỗ trợ 22,18 ha; khu trung tâm nghiên cứu và dịch vụ tổng hợp 16,27 ha; khu trang trại quy mô 175,78 ha... Đây là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất. Hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ có năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Cùng với đó, một tổ hợp dự án ngành nông nghiệp khác cũng đang được Công ty TNHH Thương mại chế biến nông, lâm sản Đường Vạn Phát triển khai xây dựng tại Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 375 tỷ đồng. Đây là một khu liên hợp có diện tích gần 40 ha, gồm nhà máy sản xuất sirô cô đặc; Nhà máy sản xuất chế biến đường và sản xuất tinh bột mỳ; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; Nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp. Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, Công ty Đường Vạn Phát đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía 6.000 ha và vùng nguyên liệu mì 12.000 ha.
Nhà máy chế biến rau củ quả đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Mỹ vừa được khánh thành tại Tây Ninh do Công ty Cổ phần Lavifood là chủ đầu tư có quy mô 15 ha, vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng.
Nguồn tin cũng cho biết, lãnh đạo Tập đoàn Nafood cũng vừa có chuyến đi khảo sát tại tỉnh Bình Thuận để tính toán xây dựng một nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu, giúp địa phương giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị quả thanh long.
Như vậy, có thể thấy sự thu hút của ngành nông nghiệp với các doanh nghiệp lớn đã dần tăng lên. Xu hướng cũng cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu, đây thực tế đang là điểm nghẽn của ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với kinh tế số, nông nghiệp trở thành đòn bẩy để đến 2035 nước ta trở thành nền kinh tế khá giả
16:39, 14/02/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nông nghiệp thông minh là đòn bẩy đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép
16:32, 11/02/2019
Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ II): Khi chính quyền là “bà đỡ”
06:00, 07/02/2019
Xuân về bàn chuyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao (kỳ I): Phá vỡ "bức tường" tư duy
05:00, 06/02/2019
Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng đánh giá, ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, tuy nhiên khâu yếu nhất của ngành hiện nay là khâu tổ chức chế biến và phân phối ưu thông, khiến tình trạng khủng hoảng thừa vẫn diễn ra.
Cơ chế tạo vốn cho doanh nghiệp
Tuy nhiên thực tế, đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực lớn bởi đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư rủi ro, vốn lớn và lâu dài.
Thực tế ghi nhận, mặc dù con số doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới trong năm qua tăng 12,3%, nhưng chỉ chiếm chưa tới 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đặc biệt, trong số đó, số doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào chế biến chỉ tương đương 1%. Cả năm 2018, cũng chỉ ghi nhận con số 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng.
Với nhiều ngành hàng, công nghiệp chế biến chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí đang là “nút thắt” trong chuỗi giá trị, một số ngành hàng khâu chế biến chỉ mới sử dụng 5-10% sản lượng sản xuất ra.
Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Hệ số đổi mới thiết bị những năm qua chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2-1/3 mức tối thiểu của nhiều nước khác). Trình độ công nghệ chế biến một số mặt hàng nông sản 80% ở mức trung bình trở xuống. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 80% sản lượng.
Do đó, để thực sự thu hút hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào tháo gỡ nút thắt chế biến của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, địa phương đều đồng thuận cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Thái Bình Seed kiến nghị: "Nhà nước cần có cơ chế giảm thuế, miễn thuế nhập khẩu với thiết bị máy móc chế biến sản phẩm ngành nông nghiệp cũng như doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu".
Có cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Nhà nước cần có thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường liên kết với nông dân trong xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng các hệ thống sấy lúa, chứa lúa và các dây chuyền chế biến hiện đại. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, năng lực dự trữ, bảo quản sản phẩm để chủ động bán ra thị trường vào thời điểm có lợi về giá.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco thì kiến nghị, cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để đưa những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống và thực sự mang lại hiệu quả cho người nông dân, doanh nghiệp.
"Một cách tạo vốn cho doanh nghiệp là hoàn thiện quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì để vay vốn phải có tài sản thế chấp. Hoặc ví như tại Mỹ, doanh nghiệp có thể nhận được vốn vay từ các chương trình hỗ trợ nông nghiệp chỉ bằng cách thẩm định kế hoạch sản xuất nếu khả thi sẽ nhận được hỗ trợ để triển khai", bà Thảo cho biết.