Cùng với kinh tế số, nông nghiệp trở thành đòn bẩy để đến 2035 nước ta trở thành nền kinh tế khá giả, trong đó chế biến sâu là then chốt nâng cao giá trị và bảo đảm tính hiệu quả, bền vững.
Để làm được điều này, sự năng động của các địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thu hút đầu tư vào nông nghiệp là vô cùng quan trọng, và ngày càng có nhiều địa phương áp dụng và phát huy nhiều hiệu quả.
Đơn cử như chính quyền địa phương đứng ra là đầu mối, giúp người dân tin tưởng và tự nguyện giao đất cho chính quyền xã quản lý và ký hợp đồng việc cấp đất với thời hạn 20-30 năm trở lên đã giúp các nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi và hiệu quả.
Tham dự lễ công bố quy hoạch, triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Đồng bằng Bắc Bộ tại tỉnh Thái Bình ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta vui mừng và xúc động bởi lẽ chúng ta đã rất năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.
Được biết, dự án này gồm chuỗi sản xuất khép kín, khi đi vào hoạt động sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.200 lao động, hàng chục nghìn lao động gián tiếp. Thái Bình là một tỉnh có hạ tầng nông nghiệp cơ bản, trình độ thâm canh cao, việc quy hoạch và đầu tư Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp là một chủ trương rất đúng đắn là cơ sở, tiền đề để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh trên trường quốc tế.
Đây là dự án rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Thái Bình nói riêng, với tổng mức đầu tư chuỗi các dự án là trên 7.800 tỷ đồng triển khai đến năm 2021 trên diện tích khoảng 194 ha, do Thaco làm chủ đầu tư, sẽ tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, tạo giá trị cao cho sản phẩm và hướng tới hội nhập kinh tế thị trường thế giới.
Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ khát vọng phát triển của Thái Bình qua hai câu đối “Tống cựu nghinh tân mừng Xuân mới/Quốc kế dân sinh kiến Thái Bình”. Theo đó, Thái Bình sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành chủ trương lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước đề ra, thông qua việc tham gia liên kết kinh tế, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định, phát triển nông nghiệp thông minh có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa một địa phương thuần nông như Thái Bình “khởi sắc”, hội nhập mạnh vào xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, để làm được điều này, có thể thấy rằng sự hỗ trợ, quyết liệt của địa phương là yếu tố tiên quyết. Ngay như dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp của Thái Bình này cũng khó thành công nếu Chính quyền không đứng ra làm “bà đỡ” giúp nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi, tích tụ đất đai diện tích lớn hơn 194 ha với thời gian 20-30 năm.
Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng ở Thái Bình và một số địa phương ngày càng hấp dẫn các tập đoàn lớn, bằng chứng là đã thu hút các nhà đầu tư có tài sản nhiều tỷ USD về đây làm nông nghiệp.
Theo Thủ tướng, Thái Bình phải có tư duy mới, cách làm mới để đưa Thái Bình trở thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. "Đó là nông nghiệp thông minh, nông dân cấp tiến, vượt lên chính mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”, Thủ tướng làm rõ.
Bởi, nông thôn trù phù không chỉ với những cánh đồng lúa xanh tốt, mà còn là những mô hình nông nghiệp đa dạng, giá trị gia tăng cao, tạo nhiều sinh kế cho cả lao động có kỹ năng với môi trường trong lành, đậm đà bản sắc văn hóa. Chiến lược đi tắt đón đầu của Thái Bình là phải thu hút đầu tư với quy mô lớn, vận động các nhà nông nghiệp tầm cỡ tham gia vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững.
Trên thực tế có thể thấy, đã có nhiều địa phương như Lâm Đồng, Hà Nam, chính quyền thực hiện được vai trò “bà đỡ” để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hà Nam cũng được xem là một “ngôi sao” sáng về thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong năm qua với hàng loạt dự án lớn được thực hiện. Kinh nghiệm về thu hút đầu tư của các địa phương này được xem là nam châm thu hút doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
16:32, 11/02/2019
06:00, 07/02/2019
05:00, 06/02/2019
11:46, 30/01/2019
Cùng với đất đai được xem là yếu tố tiên quyết, muốn hiện thực đưa nông nghiệp Việt Nam thành công, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải nâng cấp nền tảng sản xuất, thị trường. Phải công nghiệp hóa nông nghiệp, trước hết gắn nông nghiệp với công nghiệp, cơ giới hóa, hình thành tư duy cụm, ngành nông nghiệp. Muốn vậy, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, phải thu hút các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, quản trị và tư duy về nông nghiệp để tham gia vào đầu tư.
Với riêng dự án đầu tư Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng nêu rõ, quá trình phát triển của nước ta đã khẳng định nông nghiệp không chỉ là sinh kế, mà là bài toán của toàn dân. Cùng với kinh tế số, nông nghiệp trở thành đòn bẩy để đến 2035 nước ta trở thành nền kinh tế khá giả.
Theo đó, nông nghiệp phải có vai trò mạnh mẽ, đẩy mạnh xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước. Chế biến sâu là then chốt để nâng cao giá trị và bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của phát triển.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục thẩm định phê duyệt dự án đầu tư để sớm triển khai thực hiện dự án.
Cùng ngày 14/2, Thủ tướng đã tham dự Lễ khởi công xây dựng dự án tuyến đường bộ ven biển tại Thái Bình. Thủ tướng nhấn mạnh tuyến đường giúp Thái Bình kết nối với tam giác phát triển là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, công trình còn giúp Thái Bình kết nối với dự án cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cửa ngõ giúp lưu thông hàng hóa ra nước ngoài. Từ Thái Bình có thể dễ dàng kết nối các tỉnh Nam Định và Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh… "Tôi mong muốn chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng. Những người dân nhường đất cho dự án phải được hưởng lợi từ chính dự án này" - Thủ tướng nói. Theo thiết kế, tuyến đường có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, tổng chiều dài hơn 34 km. Tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng. Theo quy hoạch đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt thì đoạn đi qua tỉnh Thái Bình nằm trong tổng thể tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa được đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2015. Trong 34 km sắp được xây dựng có đoạn qua huyện Thái Thụy dài 11,6 km, qua huyện Tiền Hải dài 22 km và qua huyện Giao Thủy (Nam Định) dài 0,72 km. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Toàn tuyến có tới 12 cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diên Hộ, sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 7 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng va tàu 2.000 DWT. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Dự kiến nhà đầu tư sẽ được thu phí hoàn vốn trong vòng 23 năm 2 tháng (từ năm 2022 - 2045). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc đạt 80km/giờ. |