Bộ Công Thương phối hợp với VCCI giúp doanh nghiệp "vượt bão" dịch COVID-19
Việc Bộ Công Thương phối hợp với VCCI sẽ giúp lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp.
Sáng nay (7/5), Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra tại trụ sở Bộ Công Thương.
Phát biểu tại Lễ ký kết, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết Bộ Công Thương đi đầu về cải cách thể chế, chính sách sẽ có tác động rất lớn tới hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. “Việc Bộ Công Thương xóa bỏ mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh đã tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian vừa qua”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, đàm phán các FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới chất lượng cao, mở ra không gian thị trường rất lớn hỗ trợ cho sự bứt phá phát triển của doanh nghiệp. Trong quá trình cải cách thể chế và đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương luôn hợp tác, tham vấn ý kiến, lắng nghe, tương tác với cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI, từ đó nắm bắt được hơi thở từ thực tiễn để hướng hoạt động của mình tới phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.
TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, trước đây, Bộ Công Thương và VCCI cũng đã có sự hợp tác khá chặt chẽ về những vấn đề liên quan. "Ngày hôm nay ký kết Chương trình phối hợp hoạt động, thì sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với Bộ Công Thương thông qua VCCI sẽ thường xuyên hơn, tốt hơn, có khuôn khổ và cơ chế hợp tác chuẩn mực hơn" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi, dòng chảy thương mại, đầu tư trên thế giới đảo chiều, các chuỗi giá trị đang được nhìn lại, việc Bộ Công Thương phối hợp với VCCI thúc đẩy mạnh mẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp cận, tham gia trực tiếp vào hoạt động tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng. Do đó, ngoài chuẩn bị tốt về tâm thế, nền tảng cơ sở hạ tầng, thể chế… để tận dụng các cơ hội phát triển đất nước, thì công tác xúc tiến thương mại, đầu tư cũng cần chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn đa quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn…để cùng tham gia với họ tái cấu trúc lại các chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sứ mệnh quan trọng mà Bộ Công Thương cần đi đầu và phối hợp chặt chẽ với VCCI, cũng như cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh khẳng định, chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và VCCI được xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất đối với người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, xúc tiến hỗ thương mại, đầu tư, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chính vì vậy, sự phối hợp, đồng hành của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo cũng như các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp, là một kênh thông tin quan trọng giúp các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương có cơ hội trao đổi, nhìn nhận, khắc phục những khiếm khuyết của mình trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Bộ Công Thương đã trao đổi, thống nhất với VCCI về việc hai bên khẩn trương xây dựng một Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Chương trình phối hợp lần này là một Chương trình phối hợp toàn diện, bao trùm với 3 trụ cột hành động chính: Hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để cụ thể hóa các trụ cột này, Chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành Công Thương như công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ hai bên sẽ cụ thể hóa hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động theo chương trình công tác từng năm.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI: PCI 2019 và niềm tin vào "mùa vàng" kinh tế
10:13, 05/05/2020
VCCI đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ của ILO đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng phó dịch COVID-19
11:16, 29/04/2020
VCCI chung sức cùng doanh nghiệp “vượt bão”: Phát triển bền vững là vấn đề máu, thịt
15:00, 27/04/2020
Bộ Công Thương yêu cầu gỡ khó cho vải tươi xuất khẩu
08:40, 05/05/2020
Bộ Công Thương kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo
00:15, 28/04/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất của VCCI về xuất khẩu gạo
18:45, 17/04/2020
Bộ Công thương đề nghị Hải Phòng tạo thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua đại dịch
16:13, 13/04/2020