VNDIRECT: Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công, sẵn sàng đón làn sóng FDI
Đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo trong năm 2020 trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng khác như tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang trên đà suy giảm.
GDP tăng trưởng âm trong quý 2/2020
Theo ông Đinh Quang Hinh, chuyên viên phân tích VNDIRECT, GDP có khả năng tăng trưởng âm trong quý 2/2020, khi chứng kiến sự thu hẹp đáng kể của các ngành dịch vụ và công nghiệp trong tháng 4 ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 4 giảm mạnh 98,2% so với cùng kỳ năm 2019 sau khi Chính phủ tạm dừng cấp thị thực mới cho khách du lịch nước ngoài kể từ ngày 18/3. Dựa trên dữ liệu của GSO, doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 4/2020 giảm mạnh tới 97,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống cũng giảm lần lượt 15,3% và 64,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (số liệu do IHS Markit công bố) thiết lập mức thấp kỷ lục mới trong tháng 4, chỉ đạt 32,7 điểm trong bối cảnh nhu cầu suy yếu (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) cũng như tác động tiêu cực từ sự gián đoạn tạm thời của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam (IIP) trong tháng 4/2020 cũng sụt giảm 10,5% so với cùng kỳ và chứng kiến sự suy giảm ở hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành sản xuất xe có động cơ (-44,2%), sản xuất trang phục (-17,6%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-10,4%) trong khi chỉ có ngành sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu (+29,3% so với cùng kỳ) và ngành sản xuất hóa chất (+8,0% so với cùng kỳ) là tăng trưởng đáng kể.
Ngày 23/4, Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, ông Đinh Quang Hinh cho rằng các hoạt động kinh tế sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là các ngành du lịch, giải trí và công nghiệp chế biến chế tạo. Do vậy, ước tính tăng trưởng GDP quý 2/2020 sẽ suy giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019 và hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 xuống 4,5%.
Ông Hinh nhận thấy, tăng trưởng GDP sẽ phục hồi nhanh trong nửa sau năm 2020 với GDP quý 3 và quý 4 tăng lần lượt là 6,0% và 7,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ sự phục hồi của các ngành du lịch và công nghiệp.
Đầu tư công - động lực tăng trưởng
"Đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo trong năm 2020 trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng khác như tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang trên đà suy giảm" - vị chuyên gia này cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt 83,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 4,0% của cùng kỳ 2019) và hoàn thành 17,8% kế hoạch cả năm nay (thấp hơn mức 18% của cùng kỳ 2019; cần nhấn mạnh rằng kế hoạch năm 2020 cao hơn 14% kế hoạch năm 2019).
Đặc biệt, giải ngân đầu tư công vào tháng 4/2020 vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giãn cách xã hội và Chính phủ tập trung nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Sau khi gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 23/4, VNDIRECT cũng cho rằng Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngày 6/4, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay trong hoạt động đầu tư công, đồng thời tăng chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý 2/2020.
Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454km trong tổng số 654km, đạt 69%. Trong khi đó dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Đồng Nai phải giải ngân toàn bộ 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, nhằm đưa dự án vào khởi công vào năm 2021.
Trước đó, ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 118,7 nghìn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc-Nam. Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý 3/2020, thay vì quý 1/2021.
Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo VNDIRECT, Việt Nam đã nổi lên là một điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn quốc tế đặt chuỗi cung ứng Trong năm vừa qua, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia mới nổi khác. Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu kể từ cuối năm 2019 đến nay càng chứng tỏ tính cấp thiết và thúc đẩy xu hướng trên.
Ngày càng có nhiều Chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới nhận thức được mức độ rủi ro nghiêm trọng của việc phụ thuộc chuỗi cung ứng của họ vào chỉ một quốc gia, một thị trường chủ chốt. Trong bối cảnh Trung Quốc đang dần đánh mất hình ảnh và sự ưu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang nổi lên là một trong những lựa chọn thay thế lý tưởng nhờ lợi thế lớn về mặt địa lý khi Việt Nam nằm gần chuỗi sản xuất đặt tại miền Nam Trung Quốc.
Hơn thế nữa, trong 4 tháng đối phó với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới thấy được năng lực đối phó với khủng hoảng và các sự kiện bất ngờ (black wan) một cách tuyệt vời khi vừa ngăn chặn đà lây lan của đại dịch và đảm bảo sức khỏe của người dân, vừa duy trì được chuỗi sản xuất hoạt động liên tục. Điều đó càng thu hút và thúc đẩy các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có ý định đặt nhà máy tại Việt Nam khi dịch COVID-19 qua đi.
Trong thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ bày tỏ ý định đặt nhà máy hoặc mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam, bao gồm Google, Microsoft, HP, và Dell. Cụ thể, Microsoft có ý định sản xuất các sản phẩm máy tính Surface tại Việt Nam, trong khi HP và Dell có ý định chuyển tới 30% năng lực sản xuất máy tính xách tay của họ sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Để đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp mới của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu các lãnh đạo ngành, doanh nghiệp cần khẩn trương chuẩn bị những điều kiện tốt nhất trong đó có cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và nghiên cứu đưa ra các chính sách thu hút đầu tư ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn ì ạch
20:28, 18/05/2020
Khơi thông đầu tư công
00:30, 17/05/2020
Nhóm cổ phiếu nào hưởng lợi từ đầu tư công?
04:30, 16/05/2020
“Sóng” đầu tư công phớt lờ chất lượng tài chính doanh nghiệp
09:00, 15/05/2020
Thứ trưởng Bộ KH & ĐT: Giải ngân vốn đầu tư công 2020 sẽ đúng tiến độ
00:20, 08/05/2020
"Bắt sóng" đầu tư công, ngành nào sẽ hưởng lợi?
06:15, 28/04/2020
Làm gì để đón sóng FDI dịch chuyển?
14:00, 14/05/2020
Đồng Nai “hút” vốn FDI vào nông nghiệp
06:00, 08/05/2020
Vốn FDI tăng mạnh trong khi hầu hết các ngành chủ đạo tăng trưởng âm
11:04, 07/05/2020