Theo thống kê của SSI, hầu hết tất cả các ngành chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam tháng 4/2020 đều tăng trưởng âm nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại tăng mạnh 32%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoài (YoY) trong tháng 4, lũy kế 4 tháng chỉ tăng 1,8%, mức thấp nhất trong nhiều năm. Các ngành trụ cột như sản xuất hàng điện tử, dệt may, đồ da, gỗ, khai thác dầu thô, sản xuất xe có động cơ, đồ uống đều giảm mạnh trên 10%, ngược lại sản xuất thuốc tăng mạnh 29%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh 26% YoY trong tháng 4, trong đó dịch vụ lữ hành giảm 97%, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 64,7%. Lũy kế 4 tháng tổng mức bán lẻ giảm 4,3%, là mức tăng trưởng âm lần đầu tiên trong nhiều năm trong bối cảnh giãn cách xã hội tác động tới chi tiêu.
Quý 1 vẫn duy trì tăng trưởng dương, Xuất khẩu bắt đầu chịu tác động từ tháng 4, khi dịch COVID-19 lan rộng tới các quốc gia Âu Mỹ. Xuất khẩu tháng 4 ước giảm 3,5% YoY, lũy kế 4 tháng tăng 4,67%.
Nhập khẩu phục hồi trong tháng 3 nhờ nối lại thị trường Trung Quốc, tuy nhiên Tổng cục Thống kê ước tính nhập khẩu tháng 4 giảm 2,3% YoY nhưng lũy kế 4 tháng vẫn tăng 2,1% YoY. Nhập siêu trong tháng 4 là 700 triệu USD, lũy kế 4 tháng xuất siêu 3 tỷ USD.
Giảm mạnh nhất là khách quốc tế ước tính đạt 26,2 nghìn lượt người trong tháng 4/2020, giảm 98,2% YoY, trong đó khách Trung Quốc là chủ yếu, chiếm 88%, 75% khách đến bằng đường bộ trong bối cảnh đường hàng không bị tê liệt.
Luân chuyển hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 21,3 tỷ tấn.km, giảm 25,2% YoY, lũy kế 4 tháng giảm 7,8%, chủ yếu do đường hàng không giảm mạnh 31%.
Trong khi các ngành chính yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng âm trong tháng 4 thì riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và vốn FDI đăng ký trong tháng 4 lại tăng mạnh.
CPI tháng 4 giảm 1,54% so với tháng 3, là tháng giảm thứ 3 liên tiếp và chỉ tăng 2,93% YoY, bằng mức tăng của tháng 4/2019. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức tăng 11,78%, ngược lại nhóm Giao thông giảm 19,57% do tác động kép từ biện pháp giãn cách xã hội và 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48%
Tính tới 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới và đăng ký thêm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32,2%, tuy nhiên tổng vốn giải ngân đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,6%.
Điểm sáng trong hoạt động của khối FDI là kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 56,49 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi nhập khẩu đạt 46,32 tỷ, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2019. Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid19 nhưng khối FDI vẫn có mức xuất siêu 10,2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, góp phần bù đắp cho mức nhập siêu 9,6 tỷ USD của khu vực kinh tế trong nước.
Ngoài ra, một số chỉ số vĩ mô duy trì được mức ổn định. Tỷ giá bình ổn trở lại nhờ cung cầu ngoại tệ trong nước ổn định và chênh lệch lãi suất liên ngân hàng USD-VND vẫn ở mức cao khoảng 2%. So với tháng trước đã giảm khoảng 0,7% trên thị trường ngân hàng và giảm 1,1% trên thị trường tự do. Như vậy tính từ đầu năm tỷ giá đã tăng khoảng 1%.
Thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ trong tháng 4, tuy vậy nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục bán ròng với tổng giá trị -6810 tỷ đồng trong tháng.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 06/05/2020
06:00, 30/04/2020
11:00, 28/04/2020
10:25, 06/04/2020
16:00, 31/03/2020
11:40, 18/03/2020
02:14, 16/03/2020
05:00, 16/02/2020