“Sóng” đầu tư công phớt lờ chất lượng tài chính doanh nghiệp

Theo ĐTCK 15/05/2020 09:00

Kỳ vọng giải ngân đầu tư công được thúc đẩy trong năm nay đã giúp hàng loạt cổ phiếu liên quan thu hút dòng tiền mạnh mẽ, bất chấp “sức khỏe” của các doanh nghiệp này.

Nhiều cổ phiếu tăng vượt thị trường

Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng về việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công trong năm 2020 nhằm tạo cú huých kéo các thành phần kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng.

Tổng quy mô vốn đầu tư công theo kế hoạch được giải ngân trong năm nay lên tới 700.000 tỷ đồng - một con số rất lớn.

ảnh 1

Quý đầu năm nay, theo ước tính của SSI Research, giải ngân đầu tư công đạt 61.600 tỷ đồng, tăng trưởng 31,8% so với cùng kỳ 2019, hoàn thành 13,1% kế hoạch giải ngân trong năm.

Giới đầu tư đang kỳ vọng, với định hướng của Chính phủ, giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng tốc trong các quý tiếp theo sau nhiều năm trong tình trạng “ứ đọng” và điều này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng được hưởng lợi.

Nhờ kỳ vọng này, nhiều cổ phiếu ngành xây dựng, vật liệu xây dựng đã bật tăng mạnh. Chẳng hạn, cổ phiếu C4G đã tăng 86,6% so với đầu tháng 4, lên mức 7.000 đồng/cổ phiếu (phiên 13/5). Cổ phiếu BCC tăng 44,8%, lên mức 7.400 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HT1 tăng 37,4% lên mức 13.600 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu CII tăng 12,2% lên mức 19.750 đồng/cổ phiếu, trong khi cùng thời gian, chỉ số VN-Index chỉ tăng 24,8%.

Đáng nói là dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào nhiều cổ phiếu mà phớt lờ những vấn đề nội tại của doanh nghiệp cũng như việc doanh nghiệp đó liệu có thực sự tận dụng được cơ hội từ chính sách thúc đẩy đầu tư công hay không.

Còn đó những nỗi lo

Đặc điểm của các dự án đầu tư công là có độ trễ từ việc xây dựng, nghiệm thu cũng như thanh toán, do liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều thủ tục.

Chính vì vậy, với những doanh nghiệp không có lợi thế về tiềm lực tài chính, không trường vốn, sẽ là một thách thức để tham gia phân khúc dự án này.

Xem xét báo cáo tài chính quý I/2020 của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, có thể thấy, tỷ lệ tiền mặt ở mức tương đối thấp, dao động dưới 4% tổng tài sản.

ảnh 2

Đơn cử, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) chỉ có 36,9 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,8% tổng tài sản của doanh nghiệp. BCC hoạt động trong lĩnh vực cung cấp xi măng, kỳ vọng hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng cao của dự án cao tốc Bắc - Nam. 

Tuy nhiên, vấn đề của doanh nghiệp là sự mất cân đối tài chính. Tính tới thời điểm 31/3/2020, dư nợ vay ngắn và dài hạn của BCC lên tới 1.358,7 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Vay nợ lớn, áp lực chi phí lãi vay của Công ty rất cao.

Năm 2018, Công ty phải trả lãi vay gần 90 tỷ đồng, năm 2019, số lãi vay phải trả lên tới 111,1 tỷ đồng. Ngoài ra, giá trị khấu hao tài sản lớn, lên tới 262,6 tỷ đồng vào năm 2019. Doanh nghiệp hiện chỉ có 36,9 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,8% tổng tài sản.

Hiện tại, BCC đang dùng nguồn vốn ngắn hạn lên tới 2.648,5 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn là 851,4 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đang dùng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ thêm cho tài sản dài hạn.

Sự mất cân đối này sẽ trầm trọng hơn nếu như doanh nghiệp gặp vấn đề về dòng tiền hoạt động kinh doanh như bị chiếm dụng vốn kéo dài.

Tương tự, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) cũng có dấu hiệu mất cân đối tài chính. Doanh nghiệp hiện có tổng nguồn vốn 9.752 tỷ đồng; trong đó, nợ ngắn hạn là 3.478 tỷ đồng (vay nợ ngắn hạn 2.249,7 tỷ đồng), tài sản ngắn hạn là 1.669,8 tỷ đồng.

HT1 cũng đang dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn. Dù vậy, HT1 có sự cải thiện về số dư tiền mặt so với BCC. Tính tới 31/3/2020, Công ty có 302,2 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 3,1% tổng tài sản.

Gánh nặng nợ vay cũng đang đè nặng CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII). Tính tới 31/3/2020, Công ty có tổng nợ vay lên tới 15.529,7 tỷ đồng, chiếm 84,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, áp lực trả nợ vay của doanh nghiệp trong vòng 1 năm tới là 1.802 tỷ đồng, năm thứ 2 là 733,8 tỷ đồng, trong năm 3 đến năm 4 là 3.076,7 tỷ đồng…

Công ty hiện đang có 2.676,2 tỷ đồng tiền mặt, nhưng lượng tiền này được hình thành chủ yếu nhờ việc tăng vay nợ. Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Công ty trong quý I/2020 âm tới 365,6 tỷ đồng.

Với CTCP Tập đoàn Cienco4 (CG4), vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn quá lớn. Tính tới 31/3/2020, CG4 có tổng khoản phải thu lên tới 2.533,9 tỷ đồng, chiếm 34,5% tổng tài sản. Chi tiết các khoản phải thu không được thuyết minh trong báo cáo quý I.

Lần lại báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty, có thể thấy, giá trị khoản phải thu tại 31/12/2019 lên tới 2.446 tỷ đồng.

Trong đó, khoản phải thu của khách hàng là 760,7 tỷ đồng; phải thu các bên liên quan 121,9 tỷ đồng; trả trước cho người bán 258,2 tỷ đồng; trả trước cho người bán bên liên quan 100 tỷ đồng; phải thu về cho vay ngắn hạn 1.127,7 tỷ đồng; phải thu về cho vay bên liên quan 816,7 tỷ đồng và phải thu khác 300,2 tỷ đồng.

Nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối quý I/2020 của C4G lần lượt là 3.240 tỷ đồng và 3.380,2 tỷ đồng, tỷ lệ khá tương đồng. Nhưng nếu doanh nghiệp gặp áp lực dòng tiền do bị chiếm dụng vốn tại các dự án đầu tư công hoặc đối tác trong tương lai, điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.

Được biết, năm 2018, CG4 đã thông qua phương án trả cổ tức tỷ lệ 17% (trong đó 12% bằng tiền và 5% bằng cổ phiếu); mức cổ tức 2019 dự kiến tối thiểu là 20%, tuy nhiên đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được khoản cổ tức của hai năm này.

Kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công trong thời gian tới đã đẩy giá cổ phiếu lên quá nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp hiện có tình hình tài chính không lành mạnh, áp lực nợ vay cao, bị chiếm dụng vốn lớn và quan trọng lượng tiền của doanh nghiệp không lớn.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh hơn trong đánh giá cơ hội khi đặc điểm đầu tư công sẽ trả chậm khi nghiệm thu dự án, việc xoay vòng vốn sẽ bị hạn chế đối với các doanh nghiệp.   

Có thể bạn quan tâm

  • "Bắt sóng" đầu tư công, ngành nào sẽ hưởng lợi?

    06:15, 28/04/2020

  • Kiểm soát đơn giá đầu tư công một cách hợp lí

    Kiểm soát đơn giá đầu tư công một cách hợp lí

    07:20, 22/04/2020

  • Chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công: Giải pháp cần nhưng…“chưa đủ”!

    Chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công: Giải pháp cần nhưng…“chưa đủ”!

    05:20, 21/04/2020

  • Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 5?

    Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán tháng 5?

    05:00, 12/05/2020

  • Chứng khoán tháng 5 sẽ đi ngang

    Chứng khoán tháng 5 sẽ đi ngang

    11:30, 10/05/2020

  • Câu chuyện cuối tuần: Chứng khoán Việt Nam trước mùa “Sell in May”

    Câu chuyện cuối tuần: Chứng khoán Việt Nam trước mùa “Sell in May”

    07:00, 09/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Sóng” đầu tư công phớt lờ chất lượng tài chính doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO