Việc chuyển các dự án từ PPP sang đầu tư công mới chỉ là giải pháp cần nhưng chưa đủ. Vì vậy Chính phủ chỉ nên áp dụng đối với một số dự án cấp bách, vì mục tiêu an ninh, kinh tế.
Đó là nhận định của PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), với phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp.
- Ông nhận định như thế nào về việc Chính phủ quyết định điều chuyển 8 dự án PPP sang đầu tư công?
Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Chính phủ chi vốn đầu tư công cho một số dự án hạ tầng giao thông có khả năng kích hoạt được cầu của nền kinh tế, giải quyết được một phần khó khăn về vốn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo tôi chỉ nên chọn một số dự án chứ không phải toàn bộ các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam. Mục đích của Chính phủ đề xuất lên Quốc hội cho chủ trương chuyển toàn bộ các dự án cao tốc Bắc - Nam từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sẽ giải được bài toán khó là vốn và nhà đầu tư, nhưng giải pháp đó chỉ đúng một phần, là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Thực tế vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư hợp lực, liên kết và đã vượt qua sơ tuyển một số dự án cao tốc Bắc - Nam. Và thông qua đó, tôi đã nhận được các đề xuất của các nhà đầu tư cho tiếp tục triển khai theo phương thức PPP đối với các dự án thành phần như: Mỹ Thuận - Cần Thơ; Dầu Dây-Phan Thiết; Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu -Bãi Vọt.
Vì vậy, thay mặt Hiệp hội các nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam, tôi kiến nghị các dự án nêu trên “nên tiếp tục thực hiện theo phương thức PPP”. Các dự án còn lại, do lý do về an ninh quốc gia, an ninh môi trường hoặc lý do kinh tế khác, Nhà nước chuyển qua hình thức đầu tư công.
Có thể bạn quan tâm
18:06, 20/04/2020
05:07, 18/04/2020
04:48, 16/04/2020
11:30, 13/04/2020
05:16, 13/04/2020
- Ông đánh giá như thế nào về động thái của Bộ GTVT khi quyết định “hủy đấu thầu quốc tế”, điều chỉnh và mời sơ tuyển đấu thầu trong nước đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam?
Sau khi Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh và mời sơ tuyển đấu thầu trong nước đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư “nội”. Việc này thể hiện lòng tự tôn dân tộc và niềm tự hào của các doanh nghiệp Việt Nam khi được tham gia xây dựng công trình quan trọng, mang tầm Quốc gia trên chính đất nước của mình.
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, tôi cũng đã nêu hai thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trong nước để lưu ý, đó là: Thể chế về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở nước ta chưa hoàn chỉnh; Khó khăn về huy động vốn tín dụng.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những lưu ý này cho nhà đầu tư?
Thứ nhất, văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động theo phương thức đối tác công – tư đang có hiệu lực mới chỉ dừng lại ở cấp Nghị định. Chúng ta đang tập trung xây dựng Luật về phương thức đối tác công - tư (PPP) để tạo hành lang pháp lý an toàn, thể hiện sự cam kết của Nhà nước trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Và đây chính là một trong những mấu chốt quan trọng liên quan đến tính pháp lý đối với nhà đầu tư. Nhà đầu tư có những quyền gì đối với công trình mà mình đã đầu tư tiền bạc và công sức để tạo nên?.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần phải biết được họ được bảo hộ đến đâu và như thế nào? Điều này phụ thuộc vào việc xác định nội dung và tính chất của quyền mà luật quy định cho các chủ thể này. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Luật PPP đang được xây dựng và phải giải quyết.
Thách thức lớn thứ hai đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia dự án này là vấn đề huy động vốn tín dụng. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng thương mại đã nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn. Họ cũng phát đi thông điệp rằng “hạn mức cho vay trong lĩnh vựcBOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn”. Như vậy, nếu không có mô hình đa dạng trong việc huy động vốn thì bài toán huy động vốn để triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ thách thức lớn nhất để phát huy hiệu quả cho các dự án này.
Tuy nhiên, một tín hiệu vui là bài toán khó này đã có lời giải thông qua hình thức hợp vốn liên ngân hàng tại một số dự án. Và đơn cử phải kể đến đó là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, một dự án mà tất cả các bên đang nỗ lực triển khai không quản ngày đêm để cố gắng hoàn thành đúng tiến độ.
Một khi Nhà nước có chính sách cụ thể thì chắc chắn các ngân hàng sẽ mạnh dạn tham gia góp vốn. Tuy nhiên, trong tương lai, để có thể huy động nguồn vốn xã hội, thì chúng ta nên thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng kỹ thuật như một số nước đã thành công tạo thành kênh tín dụng mới cho các dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Xin cảm ơn ông!