Nhiều Bộ xin trả hàng nghìn tỷ đồng vốn ODA

LINH NGA 25/06/2020 14:00

Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng qua phần mềm quản lý ngân sách của Bộ đã xuất hiện đề nghị trả lại kế hoạch vốn của nhiều Bộ do không tiêu hết hoặc dự toán chi sai...

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, số liệu trên hệ thống Tabmis, tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỷ đồng).

Đối với các Bộ thì 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên Tabmis; 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; riêng Bộ NNPTNT nhập dưới 50% dự toán (do dự kiến hủy khoảng 50% dự toán).

Đối với các địa phương thì 59/62 địa phương đã nhập và phân bổ Tabmis trên 50% dự toán vay nước ngoài; 2/62 địa phương còn lại nhập và phân bổ dự toán đạt tỷ lệ dưới 50% so với dự toán được giao là Hà Nam (17,7%), Đăk Nông (42,2%); riêng Hải Dương, theo thông tin trên hệ thống Tabmis chưa nhập và phân bổ dự toán (dự toán được giao là 115,2 tỷ đồng).

fds

Giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vay nước ngoài diễn ra chậm.

Bộ Tài chính cho biết, tình hình nhập và phân bổ dự toán vốn vay nước ngoài trên hệ thống Tabmis đến nay đã có nhiều cải thiện so với cuối Quý I/2020, đặc biệt sau khi có các văn bản đôn đốc từ Bộ Tài chính, và sau khi có các giải pháp rà soát, chỉ đạo sát sao từ các cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng một số Bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn như: Bộ NNPTNN đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/ 3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng /400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học khoa học công nghệ Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch.

Bộ KH&ĐT giao sai dự toán như giao cho Bộ GD&ĐT và 16 tỉnh tham gia Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 vay ADB từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.

Số còn lại chưa phân bổ, theo thông tin từ các cơ quan chủ quản, chủ yếu do các nguyên nhân: đến cuối năm 2019, nhiều dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để thực hiện; hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chỉ ra 7 nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm.

Điển hình, theo phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án, hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách như Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư (định mức, đơn giá) theo quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình. Hay cơ chế quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Những sự thay đổi về cơ chế chính sách dẫn đến việc các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai.

Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM cho biết thành phố này đang triển khai thực hiện 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài, tổng vốn của 9 dự án này là 122.500 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp là do thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho rằng, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý và sử dụng vốn ODA như thế nào?

    Quản lý và sử dụng vốn ODA như thế nào?

    00:03, 28/05/2020

  • Hà Nội đồng ý vay hơn 30.500 tỷ đồng vốn ODA làm metro qua Hồ Gươm

    Hà Nội đồng ý vay hơn 30.500 tỷ đồng vốn ODA làm metro qua Hồ Gươm

    09:00, 04/12/2019

  • Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

    Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

    00:00, 23/09/2019

  • ACV kiến nghị tự đầu tư sân bay Long Thành, không dùng vốn ODA

    ACV kiến nghị tự đầu tư sân bay Long Thành, không dùng vốn ODA

    17:01, 09/08/2019

  • Vì sao nhiều địa phương giải ngân vốn ODA bằng 0%?

    Vì sao nhiều địa phương giải ngân vốn ODA bằng 0%?

    06:36, 19/07/2019

  • Bịt lỗ hổng thất thoát vốn ODA

    Bịt lỗ hổng thất thoát vốn ODA

    06:00, 13/07/2019

LINH NGA