Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và tư vấn nước ngoài kiến nghị nên dùng vốn tự có của doanh nghiệp thay vì sử dụng vốn ODA.
Theo ba phương án đầu tư sân bay Long Thành mà Bộ GTVT trình Thủ tướng, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc ACV cho rằng, việc doanh nghiệp này làm chủ đầu tư sân bay Long Thành sẽ có nhiều ưu điểm khi theo phương án “ACV sẽ là đơn vị đầu tư hoặc lập pháp nhân mới để đầu tư, không sử dụng vốn vay ODA”.
Cụ thể, theo phương án này, giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA. Trong đó, có 2 đề xuất: Giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA hoặc giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng.
Theo đại diện ACV, về pháp lý, các tổ chức hàng không quốc tế đã khuyến cáo một nhà ga nên giao cho một nhà khai thác để đảm bảo đồng bộ thông suốt. ACV đã là nhà quản lý 21 cảng hàng không cả nước, là công ty cổ phần với 95,4% vốn nhà nước, trong khi đó Long Thành là nhà ga lớn nhất trong mạng lưới sân bay quốc gia thì việc ACV đầu tư và quản lý cảng hàng không này sẽ tạo kết nối đồng bộ với các sân bay khác.
Bên cạnh đó, ACV có bộ máy quản lý khai thác sân bay chuyên nghiệp, cam kết thu xếp tài chính tốt nhất bằng vốn doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp này đã tích lũy được 1 tỷ USD và tiếp tục tích lũy trong giai đoạn 2019-2025, dự kiến cân đối được 1,5 tỷ USD để thực hiện dự án sân bay Long Thành. ACV sẽ chỉ vay một phần hoặc phối hợp với đối tác khác để đầu tư các hạng mục.
"Chúng tôi có thể đầu tư cả khu bay, đường kết nối sân bay và nhà ga để đảm bảo tính đồng bộ cho sân bay, đạt tiến độ khai thác”, ông Bình nói.
Theo ông Phạm Văn Tới, Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, phương án giao ACV đầu tư sân bay Long Thành là tối ưu. Bởi doanh nghiệp trong nước đầu tư thì sẽ không bị phụ thuộc nước ngoài về công nghệ, tiến độ. Trong khi đó, nếu chọn phương án 1 hoặc 3 thì thời gian chuẩn bị đầu tư, đấu thầu có thể kéo dài thêm nhiều năm, không kịp đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang bùng nổ.
Có thể bạn quan tâm
03:11, 07/08/2019
05:00, 05/08/2019
21:05, 02/08/2019
09:00, 26/07/2019
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT hướng dẫn, hỗ trợ ACV khẩn trương hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Thủ tướng giao Bộ GTVT trình Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo Dự án theo quy định, đảm bảo tiến độ Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 năm 2019, Quốc hội khóa XIV.
Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng là lãnh đạo 13 bộ, ngành liên quan, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Đồng Nai.
Sau khi Bộ GTVT có báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẩn trương thực hiện hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, đảm bảo tiến độ Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019).
Ba phương án tìm vốn đầu tư sân bay Long Thành Phương án 1, đầu tư theo định hướng tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại). Phương án 2, giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA. Trong phương án này, có 2 đề xuất: Giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA hoặc giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng. Phương án 3, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng, dùng vốn của doanh nghiệp dự án, không sử dụng vốn vay ODA theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. |