Nguyên nhân khiến sử dụng nguồn vốn ODA chưa hiệu quả, thậm chí xảy ra sai phạm chủ yếu do việc giao kế hoạch vốn ODA chưa sát thực tế, chưa theo thứ tự ưu tiên, không đúng quy định.
Trong quá trình sử dụng nguồn vốn ODA, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, song vẫn còn tồn tại những vấn đề như thiếu một số hướng dẫn thực thi các văn bản cụ thể, hoặc chưa có những nghị định phù hợp về quản lý tài chính, hoặc còn những khác biệt giữa quy định của Chính phủ với quy định của nhà tài trợ…
Quy trách nhiệm về một đầu mối
Để khuôn khổ pháp lý về ODA có tính ổn định cao và có khả năng điều chỉnh tốt đối với hoạt động quản lý và sử dụng ODA cần chú trọng một số những yêu cầu, cụ thể:
Một là, phải thiết lập được chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư. Các chế tài này phải rõ ràng, cụ thể: Người quyết định đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát phải bị xử lý ở các mức độ khác nhau tùy theo mức độ sai phạm, có thể xử phạt hành chính, có thể bị cách chức hoặc miễn nhiệm; Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng dự án, chấm dứt tình trạng giao cho người không đủ điều kiện năng lực chuyên môn nghiệp vụ thực hiện quản lý dự án; Sắp xếp lại các ban quản lý dự án theo đúng tiêu chí và tiêu chuẩn phù hợp; Chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên các ban quản lý dự án, phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.
Hai là, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan hữu trách trong việc ra quyết định quản lý vốn ODA, nên lựa chọn một cơ quan chịu trách nhiệm hoàn toàn từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu thực hiện, vận hành và khai thác dự án; Nên thành lập tổ chức liên ngành làm nhiệm vụ tổng hợp, phân tích thông tin, đánh giá tình hình trong mối quan hệ với các chỉ tiêu vĩ mô như: dư nợ quốc gia, dư nợ chính phủ, tốc độ tăng sản phẩm trong nước, kim nghạch xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, bội chi ngân sách nhà nước; Tập trung công tác quản lý và sử dụng vốn ODA vào một đầu mối theo hướng hình thành một cơ quan quản lý nợ công, trong đó chủ yếu là ODA.
Hoàn thiện cơ chế và mô hình quản lý phù hợp
Cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý về ODS, việc quản lý chặt chẽ các dự án chống thất thoát lãng phí cần cải tiến cơ chế quản lý theo hướng:
Thứ nhất, tạo lập một cơ chế quản lý để ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm toàn diện về dự án từ khâu chuẩn bị cho tới khâu thực hiện, nghiệm thu và vận hành dự án trước chủ đầu tư và đối tượng thụ hưởng. Xác định rõ ràng tính pháp lý của ban quản lý dự án theo hướng đảm bảo tính chuyên nghiệp, tăng cường tính minh bạch, chống khép kín và tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai, chủ đầu tư với tư cách là người đại diện pháp nhân của Nhà nước trong việc sử dụng nguồn vốn, phải chịu trách nhiệm cụ thể trước Nhà nước về công trình của mình cả về tiến độ cũng như chất lượng. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ra quyết định. Từ đó buộc chủ đầu tư phải lựa chọn ban quản lý dự án thực sự có chất lượng phù hợp với yêu cầu của công việc, tránh tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Thứ ba, xây dựng quy chế làm việc của ban quản lý dự án một cách chặt chẽ, có chính sách đãi ngộ, có kinh phí hoạt động rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, có chế độ thưởng, phạt nghiêm minh: khi công trình không bị thất thoát, đạt yêu cầu chất lượng, đúng tiến độ thì chủ đầu tư có chế độ khen thưởng. Ngược lại, qua thanh tra, kiểm tra, nếu công chức hoặc cán bộ ban quản lý dự án có sai phạm thì xử lý kỷ luật nghiêm khắc, trong đó người lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Đồng thời, chuẩn bị cẩn thận, chi tiết các khâu chuẩn bị dự án để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Và cuối cùng, để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án khi sử dụng nguồn vốn ODA, công tác quy hoạch chuẩn bị dự án trong thời gian tới cần được chú trọng hơn, trong đó cần nhấn mạnh hơn tới các khía cạnh như: Phân bổ ngân sách chưa phù hợp cũng là một trong những cản trở công tác chuẩn bi dự án ở giai đoạn đầu. Do đó, cần chuẩn bị đủ ngân sách để đảm bảo hiệu quả của khâu công tác này. Bên cạnh đó, phải có phương án giải quyết vấn đề tái định cư ngay trong giai đoạn đầu chuẩn bị dự án. Việc chậm trễ trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu do khâu giải phóng mặt bằng tái định cư.
Vì vậy, vấn đề phải tính đến lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực bị giải tỏa, không những về tái định cư mà cả giải quyết việc làm cho người dân bi mất đất canh tác, mất nhà ở, địa điểm kinh doanh.