Ngành chế biến thuỷ sản chuẩn bị tâm thế để cất cánh
Được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, nhưng doanh nghiệp thuỷ sản vẫn mong mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản hợp lý...
Cơ hội lớn
Hiện nay EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ với tỷ trọng từ 17 - 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, có mặt hàng tôm sang EU chiếm 22%, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35% thị phần.
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID - 19 trên toàn cầu, sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 của thủy sản Việt Nam ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như cá tra, giảm sâu tới 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và mực cũng giảm 20%. Riêng có tôm giữ được mức tăng nhẹ gần 3%.
Với cơ hội từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sẽ có thêm sức bật khi thuế quan được cắt giảm theo lộ trình ở mức đối đa nhất.
Cụ thể, 212 mặt hàng thủy sản có thuế suất từ 0-22% và mức thuế cao từ 6-22% sẽ về 0% kể từ ngày 1/8. Đồng thời sẽ xóa bỏ thuế quan ngay 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và xóa bỏ thuế quan theo lộ trình sau 07 năm là 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), EVFTA sẽ là một cơ hội tốt cho hàng thủy sản Việt Nam được gia tăng xuất khẩu và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường EU.
Cần tháo gỡ chính sách về thuế TNDN
Theo VASEP, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang gặp khó khi bị áp mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho hàng thủy sản là sơ chế với mức 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất TNDN ưu đãi là 10% hoặc 15% với địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.
Điều này đã gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì trước đó doanh nghiệp được hưởng ưu đãi nên khi bán hàng đã chấp nhận giảm giá cho cho đối tác nước ngoài và cân đối nâng giá thu mua tôm nguyên liệu của người dân để tăng lượng khách hàng.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp. Đại diện VASEP cho biết, Hiệp hội đã có văn bản số 104/2020/CV - VASEP kiến nghị về vướng mắc trong chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Đặc biệt mới đây, theo yêu cầu của Tổng cục ngày 28/8/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ban hành công văn số 115/2020/CV-VASEP gửi Tổng cục Thuế về việc bổ sung thông tin về quy trình và công nghệ chế biến các sản phẩm thuỷ hải sản để giải quyết vướng mắc về chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến thuỷ sản.
Bên cạnh đó, Hiệp hội VASEP cũng đã cung cấp thêm các thông tin về quy trình và công nghệ chế biến của các nhóm hàng thuỷ sản khác nhau có đặc thù hoạt động chế biến theo đúng thực tiễn. Quy trình sản xuất đóng gói này cũng đã được quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, bao gồm các nhóm sản phẩm thuỷ hải sản chế biến như: Sản phẩm cá tra, tôm, cá ngừ, các sản phẩm nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò...).
Các sản phẩm nhuyễn thể chân đầu (mực lá, mực nang, mực ống, bạch tuộc...) và các phương pháp công nghiệp áp dụng để chế biến các sản phẩm thuỷ hải sản đông lạnh như; bảo quản bằng đá lạnh; cấp đông và bảo quản lạnh đông; sử dụng máy dò kim loại...
Hiệp hội VASEP cũng đề nghị Tổng cục Thuỷ sản sớm có văn bản xin ý kiến của 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như xem xét các nội dung thông tin thực tiễn trên để giải quyết vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
VASEP đòi “trả lại tên” cho chế biến thủy sản
04:30, 16/08/2020
Áp thuế hàng “chế biến” thành “sơ chế”, doanh nghiệp thủy sản yêu cầu đối thoại
05:30, 10/08/2020
Quảng Ninh: Xử lý hình sự đối với các chủ tàu tái phạm đánh bắt thủy sản
01:22, 30/07/2020
Quảng Ninh: Gian nan “cuộc chiến” chống đánh bắt thủy sản tận diệt
01:33, 27/07/2020
Đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu
10:50, 30/06/2020
Cơ hội từ EVFTA: (Bài 3) Ngành thủy sản tập trung gỡ thẻ vàng IUU
14:55, 17/06/2020