VASEP đòi “trả lại tên” cho chế biến thủy sản

HÙNG TRANG 16/08/2020 04:30

Mặc dù, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có rất nhiều văn bản gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đề nghị trả lại đúng tên “chế biến” thủy sản.

Tuy nhiên, ngành thuế vẫn cương quyết coi “chế biến” thủy sản chỉ là “sơ chế” để áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20%. 

 Đóng gói tôm bao bột xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: Phú Hữu

Đóng gói tôm bao bột xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Minh Phú, Cà Mau. Ảnh: Phú Hữu

Gần đây nhất, ngày 30/7/2020, VASEP tiếp tục gửi Công văn số 104/2020 đề nghị Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) xem xét và có buổi làm việc với VASEP cùng các doanh nghiệp hội viên. Tuy nhiên, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, ngành thuế vẫn chưa có bất kì phản hồi nào.

“Giọt nước tràn ly”

Vấn đề “chế biến” hay “sơ chế” đã được đẩy lên đỉnh điểm khi ngày 5/6/2020, các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Cà Mau đã nhận được Thông báo số 1057/TB-CT của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế TNDN từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản với mức thuế TNDN 20%, thay vì mức thuế 10% như doanh nghiệp đang kê khai.

 Sản phẩm chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để tạo ra hàng giá trị gia tăng cũng bị coi là “sơ chế”.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Văn Lật – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Lộc Kim Chi, cho rằng, khái niệm “sơ chế” thực phẩm là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc “bán thành phẩm” cho khâu “chế biến” thực phẩm. Do đó, nếu dùng cụm từ này để áp dụng cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản là không phù hợp.

Thực tế việc coi hoạt động “chế biến” thủy sản là “sơ chế” đã được các cơ quan có trách nhiệm đưa ra từ nhiều năm nay. Tại Hội nghị “Triển khai Kế hoạch Xuất khẩu Thủy sản 2019” ngày 16/2/2019 tại TP HCM, do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì, những bất cập, vướng mắc trong việc áp thuế ưu đãi thuế TNDN cho ngành chế biến thủy sản đã được đưa ra.

Sau đó, VASEP đã có Công văn số 33/2019 ngày 5/4/2019 tới Lãnh đạo Bộ NN&PTNT để có ý kiến với Chính phủ và Bộ Tài chính. Ngày 19/9/2019, Hiệp hội VASEP gửi tiếp Công văn số 89/2019 tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị ban hành danh mục sản phẩm “chế biến” liên quan đến thực hiện quy định ưu đãi thuế TNDN cho doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Áp thuế thiếu cơ sở vững chắc

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, các văn bản hướng dẫn của ngành thuế vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế, thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN. Sau khi bị nâng mức thuế và bị truy thu, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng.

Thực tế, doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trước đây được Cục Thuế các tỉnh cho hưởng ưu đãi thuế TNDN với mức thuế suất 10% (vùng kinh tế đặc biệt khó khăn) và 15%. Tuy nhiên, sau Công văn số 4417/TCT-CS ngày 28/9/2017 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNDN, các sản phẩm trước kia được áp dụng thuế TNDN “chế biến” của doanh nghiệp thủy sản bị quy sang hàng “sơ chế” và thuế suất TNDN tăng lên 20%.

Theo VASEP, hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng: (1) Chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu; (2) Chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và (3) Chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để tạo ra hàng giá trị gia tăng. Nhưng khi quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các sản phẩm của cả ba dạng chế biến trên đều không được các cơ quan ngành thuế công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ coi là “sơ chế”.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM (FFA) cho rằng, chế biến là giá trị gia tăng khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đầu tư công nghệ để đưa ra thị trường sản phẩm có giá trị. Để khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, nhiều doanh nghiệp không chỉ đầu tư tạo vùng nguyên liệu sạch, mà còn xây dựng các nhà máy quy mô, hiện đại, điều này đòi hỏi sự đầu tư không hề nhỏ. Việc áp thuế cho cả một lĩnh vực thông qua một Công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế là chưa đủ cơ sở vững chắc.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng:

Hiện Công ty phải nộp thuế TNDN với mức 20%/năm, trong khi đáng lẽ phải được hưởng mức thuế ưu đãi chỉ 10%-15%/năm. Nguyên nhân là do sản phẩm thủy sản đã qua chế biến của chúng tôi bị xem là hàng sơ chế. Chỉ thông qua một công văn của Tổng cục Thuế (không phải là văn bản quy phạm pháp luật) mà chuyển từ “chế biến” thành “sơ chế” thì chưa đủ sức thuyết phục. Ví dụ từ con cá tra để chế biến thành miếng cá phi lê, tẩm ướp gia vị thơm ngon đến người tiêu dùng, chỉ cần lấy ra chiên, hấp ăn liền nhưng lại bị coi là hàng sơ chế thì quá bất công. Chúng tôi làm hàng xuất khẩu mà chỉ coi như hàng bán ngoài chợ thì phải xem lại.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group:

Khái niệm giữa sơ chế và chế biến hiện nay rất mập mờ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần lắng nghe góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phải mở rộng khái niệm chế biến ra.

Ví dụ, đối với các mặt hàng từ khi thu hoạch đến khi xuất khẩu vẫn không thay đổi nhiều, chỉ rửa sạch, đóng gói rồi xuất đi thì đó là sơ chế. Còn khi mặt hàng như trái cây đưa về nhà máy đã qua nhiều công đoạn gồm bảo quản, đóng gói, chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng… thì nên đưa vào diện sản phẩm chế biến. Không thể đánh đồng với nhau để áp thuế, gây thiệt thòi cho nhà kinh doanh.

Chẳng hạn, đối với các mặt hàng như dừa, sầu riêng phải gọt vỏ, tách múi, rồi qua nhiều công đoạn bảo quản, xử lý lạnh… mới xuất đi được thì nên coi là chế biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VASEP đòi “trả lại tên” cho chế biến thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO