Trách nhiệm người đứng đầu trong đầu tư công
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm hiện khá chậm nên sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc kích cầu nền kinh tế.
Chuyên gia nhấn mạnh, để nhanh chóng thúc đẩy đầu tư công thì trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công cần tường minh và đơn giản hơn.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm hiện khá chậm nên sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc kích cầu nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 8 tháng ước đạt 221.768 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 47% kế hoạch năm.
- Ông đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2020?
Xét theo con số của Tổng cục Thống kê thì ở thời điểm hiện tại tốc độ đầu tư công được giải ngân nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vấn đề cần lưu ý là bản thân mức giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng khá chậm.
Đây là kết quả chưa thực sự ấn tượng, và còn nhiều việc phải làm để cải thiện cả hiệu quả giải ngân và tác động đối với nền kinh tế bởi ở thời điểm hiện tại thì đây là vấn đề rất quan trọng bởi kết quả giải ngân đầu tư công sẽ tác động trực tiếp đến việc kích cầu nền kinh tế sau đại dịch.
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, và việc chậm trễ này sẽ làm ảnh hưởng như thế nào tới tốc độ kích cầu nền tế?
Tôi cho rằng nguyên nhân của tình trạng này chính là hiện tượng sợ trách nhiệm trong việc giải ngân đầu tư công, đây là căn bệnh cố hữu của nền kinh tế.
Dự án đầu tư bằng tiền ngân sách hiện đang không chỉ chịu chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn cả Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng… Trong đó, một số quy định đang bị chồng lấn, thậm chí vênh nhau. Nhiều nội dung bất cập đã được kiến nghị nhưng vẫn phải chờ sửa luật…
Những khúc mắc pháp lý dẫn tới thực trạng người nắm giữ trách nhiệm tại các cấp ngần ngại khi đưa ra quyết định vì nghĩ “không phải đầu cũng phải tai”. Trong khi cấp thực thi ở dưới né tránh, đùn đẩy lòng vòng, ngang dọc thì người ở trên cũng không thể làm gì được.
Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc xin vốn càng nhiều càng tốt sẽ phản tác dụng nếu như không sử dụng hết. Các bộ, ngành địa phương sẽ không được giữ lại số tiền chưa tiêu hết mà sẽ bị khấu trừ vào kế hoạch vốn năm sau. Điều đó có thể lý giải được vì sao một số bộ ngành xin trả lại vốn đã được phân bổ.
-Vậy, chúng ta cần phải làm gì để nhanh chóng thúc đẩy đầu tư công, thưa ông?
Theo tôi biết thì Thủ tướng đã có những biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Gần nhất, tại phiên họp trực tuyến với các địa phương vào ngày 16/7, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải “sốt ruột” khi tiến độ giải ngân vốn vẫn ì ạch. Đồng thời, ông nhấn mạnh sẽ có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu tình trạng “có tiền không tiêu được” tiếp tục tái diễn.
Tôi cho rằng, đây đã là những giải pháp thiết thực nhưng có một cái quan trọng hơn là trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công cần tường minh và đơn giản hơn.
Tại nhiều địa phương, có những lãnh đạo đứng đầu rất quyết đoán, có thể họ không tư lợi cá nhân nhưng vướng cơ chế, ràng buộc quy định pháp lý khiến họ e ngại, sợ sai, không dám quyết định. Do đó, nên hướng dẫn hành lang pháp lý tốt hơn để người đứng đầu có thể làm được.
- Nếu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay thì sẽ tác động ra sao tới tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch, thưa ông?
Vốn đầu tư công có tác động tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành xây dựng và GDP. Cụ thể, khi vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Bởi vậy, nếu năm nay giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư công, thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm tăng trưởng.
Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp… nên một khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33-34% GDP, là nhân tố vô cùng quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Ngành thép "bắt sóng" đầu tư công
04:00, 28/09/2020
Quảng Ngãi: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
00:44, 28/09/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 16/9: Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025
21:00, 16/09/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 17/9: Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
18:00, 17/09/2020
Cần Thơ: "Trảm" thầu, điều chuyển cán bộ nếu để dự án đầu tư công chậm tiến độ
13:42, 14/09/2020
VNDIRECT: Đầu tư công và xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm
11:00, 10/09/2020
Ngành thép nửa cuối năm: Hưởng lợi từ đầu tư công và nhu cầu từ Trung Quốc
05:00, 31/08/2020