Chìa khoá đưa nông sản lên tầm cao mới

Phương Thanh 20/10/2020 05:00

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng nắm được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm một cách hoàn hảo nhất.

Công nghệ số đang được vận động áp dụng rộng rãi tại các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và với nông nghiệp, công nghệ số sẽ giúp sản phẩm của Việt Nam được hưởng lợi tối đa từ các Hiệp định thương mại.

Để hiểu rõ hơn về ứng dụng này trong nông nghiệp, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA.

Công nghệ số giúp gia tăng giá trị của nông sản Việt

Công nghệ số giúp gia tăng giá trị của nông sản Việt

- Thưa ông, ông có thể chia sẻ những lợi ích từ ứng dụng công nghệ số đối với các hội viên (VIDA)?

Chính xác ở thời đại của CMCN 4.0 thì công nghệ luôn đi cùng với lợi ích, công nghệ số đã mang lại lợi ích cân bằng cho cả doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp logistics. Cá nhân tôi cho rằng, giá trị lớn nhất mà công nghệ số mang lại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là sự minh bạch trong quá trình truy xuất nguồn gốc, từ khi chọn giống đến khi hàng tới tay người tiêu dùng. Và, tôi hay gọi bằng một cái tên là “truy xuất nguồn gốc hoàn hảo”.

Trong đó truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ số giúp gia tăng giá trị nông sản, đặc biệt là trong xu hướng xuất khẩu thành phẩm chế biến sâu thay vì xuất thô như trước kia và hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến khía cạnh “ngon hay không ngon” mà còn muốn biết sản phẩm mình tiêu dùng có xuất xứ thế nào, có an toàn hay không? Họ sẵn sàng trả thêm chi phí để nhận được “sự minh bạch” về thông tin nguồn gốc của sản phẩm mình đang dùng. 

- Ông đánh giá thế nào về việc tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất khẩu tới các ứng dụng công nghệ?

Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng quá trình vận chuyển đã làm nông sản thường bị hư hại khoảng 40% tỷ lệ sản phẩm, khiến hàng bị trả về gây thiệt hại lớn đến kinh tế và doanh thu của doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng công nghệ số trong vận chuyển nông sản là rất cần thiết, giúp kiểm soát được nhiệt độ trong xe, tránh cho rau quả, thủy sản bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

Nhà máy sản xuất Nước mắm truyền thống CANA, hoàn toàn không có sự hiện diện của người lao động

Nhà máy sản xuất nước mắm truyền thống CANA, hoàn toàn không có sự hiện diện của người lao động

Đồng thời những phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ số có thể làm tăng khả năng thích ứng của nông dân trước những thay đổi, bằng cách tăng khả năng tiếp cận thông tin thời tiết và thị trường. Các công nghệ kỹ thuật số có thể giúp nông dân đưa ra quyết định sáng suốt hơn về thời điểm sen canh đúng vụ cho từng loại cây trồng, cũng như thời gian và địa chỉ nơi bán cây trồng.

Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động vận tải còn hạn chế. Ví dụ quản lý kho bãi thì có hệ thống truy xuất hàng in-out nhưng khi hàng được giao cho lái xe thì thông tin bị “đứt”, không liên tục. Thêm một yếu tố nữa đó là hiện nay hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu giao phó gần như toàn bộ quy trình vận chuyển và thủ tục xuất nhập khẩu cho các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics.

Mà quá trình xuất nhập khẩu có thể được cung cấp bởi nhiều đơn vị từ kho bãi, hãng tàu, bốc xếp… thậm chí có sự tham gia của cơ quan nhà nước ở một số khâu như kiểm dịch, thông quan… Nếu toàn bộ quá trình được kết nối liên thông bằng một nền tảng dùng chung được xây dựng bằng blockchain có tính bảo mật gần như tuyệt đối thì tôi nghĩ câu chuyện về nâng cao chuỗi giá trị nông sản không chỉ dừng lại ở “các cuộc hội thảo”.

- Vậy, đâu là các rào cản xuất phát từ phía doanh nghiệp, thưa ông?

Có nhiều rào cản xuất phát từ phía doanh nghiệp như: vốn, kỹ thuật, hạ tầng, con người... nhưng thứ tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ý chí của chủ doanh nghiệp. Bởi, áp lực thay đổi từ thời đại, đối thủ cạnh tranh, trong đó đối thủ nước ngoài đã đi trước chúng ta có thể vài chục năm.

Nếu chúng ta ngại và chậm trễ trong việc thay đổi thì tôi tin rằng chúng ta mãi là người lạc hậu. Còn muốn bắt kịp được xu thế thì mỗi doanh nghiệp hãy đón đầu công nghệ, vì công nghệ chính là một trong những thành tố quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp đi nhanh và an toàn hơn.

- Trước những khó khăn trên, Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam đã lên những giải pháp trọng tâm nào để đón đầu công nghệ chuyển đổi số?

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam thường xuyên có những trao đổi, chia sẻ với các đối tác từ những nền nông nghiệp hàng đầu thế giới như EU, Israel, Úc,  Nhật Bản và Hàn Quốc về công nghệ nông nghiệp, từ canh tác, sản xuất đến chiến lược giảm thiểu thất thoát trong công đoạn thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Trong đó tập trung vào các giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Từ đó xây dựng một cơ sở dữ liệu về nông nghiệp số, sẵn sàng hỗ trợ kết nối cho hội viên khi cần. Tính chủ động của bản thân Hiệp hội luôn được các lãnh đạo của Hiệp hội nhấn mạnh và đề cao.

- Nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp logistics áp dụng nhanh và hiệu quả nền tảng công nghệ số, ông có những kiến nghị gì cần đề xuất, thưa ông?

Theo tôi, đây là lúc vai trò kết nối, dẫn dắt của các hiệp hội cần được phát huy mạnh mẽ. Một bên là các Hiệp hội nông nghiệp, còn bên kia là Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Các Hiệp hội cần ngồi lại bàn thảo nhằm xây dựng và phát triển một nền tảng giao tiếp chung giữa doanh nghiệp nông nghiệp với doanh nghiệp logistics, thậm chí là có sự tham gia của cơ quan nhà nước như kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp chứng nhận xuất xứ (C/O)…, trên đó sẽ có E-DO (lệnh giao hàng điện tử), xử lý tải rỗng, xác thực điện tử, hóa đơn điện tử, đăng ký trả kết quả kiểm tra chuyên ngành... tích hợp tất cả trên một platform chính như bộ xương cá.

Luồng thông tin của một lô hàng được “đắp dần” khi trải qua mỗi chủ thể. Tất cả các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cùng có chung một nền tảng và hoàn toàn bảo mật. Nền tảng sử dụng blockchain, AI, machine learning... tóm lại là từ những thành tựu công nghệ hàng đầu hiện nay, phải là hàng đầu.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN 2020: Tạo dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ số

    Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN 2020: Tạo dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ số

    14:22, 16/10/2020

  • Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ II):

    Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ II): "Đòn bẩy" từ công nghệ số

    11:30, 21/09/2020

  • Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững

    Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững

    18:08, 15/10/2020

  • Lạc quan với mục tiêu xuất khẩu nông sản 41 tỷ USD năm 2020

    Lạc quan với mục tiêu xuất khẩu nông sản 41 tỷ USD năm 2020

    04:30, 12/10/2020

  • Chung tay cùng nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt tại sân nhà

    Chung tay cùng nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt tại sân nhà

    20:23, 28/09/2020

  • Mã số vùng trồng - chìa khoá cho nông sản xuất khẩu

    Mã số vùng trồng - chìa khoá cho nông sản xuất khẩu

    10:10, 26/09/2020

Phương Thanh