Truy xuất nguồn gốc đang là “con đường” nhanh nhất để nông sản Việt có thể tiếp cận với các thị trường khó tính.
Tuy nhiên tình trạng dùng chung các mã số vùng trồng như hiện nay lại khiến “cánh cửa” cuối con đường kia khép lại.
Mã số vùng trồng là một trong những điều kiện tiên quyết để nông sản Việt có thể tiếp cận được với thị trường thế giới. Mã số vùng trồng sẽ giúp cơ quan quản lý của các nước nhập khẩu có thể truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng.
Loạn mã số vùng trồng
Việt Nam đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng trong điều 64 của Luật Trồng trọt, nhưng việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay chủ yếu được thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.
Thị trường chủ yếu cần mã số vùng trồng gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Tuy là thị trường được cấp sau, nhưng hiện Trung Quốc là thị trường có nhiều mã số vùng trồng nhất với 1.735 mã, gần gấp đôi so với những thị trường khó tính khác (998 mã).
Việc cấp mã nhanh với số lượng lớn đang dẫn đến những khó khăn của cơ quan quản lý trong kiểm soát mã vùng trồng. Dẫn đến có tình trạng mượn, dùng chung mã số vùng trồng.
Hệ quả, giữa tháng 8 vừa qua, phía Trung Quốc đã thông báo có 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân.
Trớ trêu thay, là đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng HTX xoài Mỹ Xương lại không hề biết mã số vùng trồng của mình đã bị mạo danh. Bởi diện tích xoài của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, đăng ký mã vùng trồng, đảm bảo thực hiện truy xuất nguồn gốc tại vườn bằng mã QR tuy nhiên khi đến khi thu hoạch, việc đóng gói, tiêu thụ do thương lái thực hiện.
Tình trạng này còn phức tạp đến mức có những mã số vùng trồng đã bị “biến mất” do trở thành mã số “công cộng” cho các lô xoài. Nguyên nhân theo cơ sở đóng gói giải thích thì “phía thương lái Trung Quốc chỉ đạo in mã số nhà đóng gói nào thì cơ sở đóng gói in cái đó”.
Theo nhiều nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, việc cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói để xuất hàng sang Trung Quốc khá đơn giản. Nhà vườn chỉ kê khai tên chủ hộ, diện tích, địa chỉ, sản lượng, danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật thường dùng... Phía Trung Quốc sẽ cấp mã số vùng trồng mà không cần đến tận nơi để kiểm tra.
Tình trạng dùng chung mã số vùng trồng này không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đối với trái cây, đặc biệt là trái xoài của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà còn còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam với thị trường quốc tế. Lúc đó hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với thiệt hại kép, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cảnh báo.
Siết quy trình cấp phép
Để tìm giải pháp xử lý bất cập trên, mới đây, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, đơn vị cấp phép cho các mã vùng trồng đã tổ chức hội thảo "Hội thảo truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc".
Tại hội thảo này, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã hướng dẫn cho các nhà vườn, HTX xuất khẩu nông sản các thủ tục đánh giá xác nhận truy xuất đối với mã vùng trồng, xưởng đóng gói được Bộ nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng, mã xưởng; thủ tục quản lý, kích hoạt tem truy xuất đối với mã vùng, mã xưởng được cấp giấy xác nhận truy xuất; các yêu cầu về truy xuất vùng trồng đối với đơn vị sản xuất, đóng gói, xuất khẩu…
Về cơ bản, việc cấp mã số hiện nay khá chặt chẽ. Tuy nhiên trong quá trình quản lý mã số tại các địa phương còn khá nhiều bất cập. Phần lớn mới chỉ dừng lại ở thống kê ban đầu gửi về cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp… Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số theo quy định chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương. Cơ chế trao đổi thông tin thường kỳ giữa các địa phương và bộ chưa được thực hiện thực sự hiệu quả.
Lãnh đạo Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho rằng, giải pháp căn cơ mang tính lâu dài là phổ biến các hoạt động truy xuất nguồn gốc cho từng hộ doanh nghiệp, hộ nông dân. Do đó Trung tâm sẽ cùng các địa phương kết nối trực tiếp với các hộ nông dân để đánh giá xác nhận truy xuất đối với mã vùng trồng, xưởng đóng gói.
"Bước đầu là triển khai các dịch vụ về đánh giá, xác nhận truy xuất vùng trồng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc để kích hoạt. Qua đó, chúng tôi sẽ xác định được nông sản đó phát đi từ vùng trồng nào, qua đơn vị đóng gói sơ chế nào, xác nhận lại xem có thực sự là cái mã trồng đó có tham gia vào lô hàng hay không, nhằm kiểm soát, tránh lạm dụng mã vùng trồng của các đơn vị khác", ông Nguyễn Văn Đoan, Chuyên gia đánh giá trưởng của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, nhận định.
Cũng theo ông Đoan, việc phổ biến truy xuất nguồn gốc còn phụ thuộc lớn vào công tác quản lý của cơ quan chức năng từng địa phương, đặc biệt là cho 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Có thể bạn quan tâm
Nhọc nhằn truy xuất nguồn gốc
17:38, 26/05/2020
Nhọc nhằn bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm
05:30, 26/05/2020
Thấy gì từ việc Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc?
19:23, 14/11/2019
Xã hội hóa truy xuất nguồn gốc
05:00, 20/07/2019
Truy xuất nguồn gốc hàng hoá: Cần bỏ cách làm “lúc chạy theo mắm tôm, khi đuổi giá đỗ”
13:10, 27/01/2019