Phát triển năng lượng tái tạo (Kỳ I): Cần “đòn bẩy” chính sách
Theo đánh giá của các chuyên gia thì chính các chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư năng lượng tái tạo khiến loại hình này chưa phát triển xứng tầm.
Chia sẻ này được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và Môi trường Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tổ chức.
Chính sách chưa “bắt nhịp” cuộc sống
Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam nhớ lại, khi doanh nghiệp bắt đầu đầu tư dự án điện vào năm 2016, dự án công suất trên 50MW thì phải trình Thủ tướng chấp thuận. “Điều đáng nói, một bộ hồ sơ gửi lên, Bộ Công Thương sẽ gửi xin ý kiến 12 đơn vị sau đó mới trình Thủ tướng. Như vậy chỉ cần 1 trong 12 cơ quan trung ương này “buồn” chút thôi là dự án dừng lại" - ông Bắc bày tỏ.
Câu chuyện từ vị doanh nhân này cho thấy lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn chưa phát triển mạnh mẽ một phần do các chính sách trong lĩnh vực này vẫn còn chậm trễ, thiếu sự “bắt nhịp” với cuộc sống. Điều này đã khiến cho nhà đầu tư còn gặp phải nhiều rào cản như rào cản pháp lý; đầu tư; kỹ thuật; thương mại; thị trường và cả về nhân lực kỹ thuật.
Chỉ đơn cử như những bất cập đến từ cơ chế áp dụng biểu giá hỗ trợ (FIT). Tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, giá FIT chỉ áp dụng với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Như vậy, từ đầu năm 2021, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa ban hành.
Điện gió cũng không là ngoại lệ, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 quy định giá mua điện của dự án điện gió trong đất liền và trên biển được áp dụng giá FIT đối với các dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Có nghĩa là sau thời điểm này, các dự án điện gió chưa có cơ chế thực hiện.
“Thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư” - ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định.
Giải pháp nào?
Bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) đề xuất: Thứ nhất, các cơ quan địa phương tạo điều kiện doanh nghiệp chia sẻ lợi ích sử dụng nguồn đất đai, chia sẻ lợi nhuận từ bán điện - đây là việc chia sẻ lợi ích một cách toàn diện. Thứ hai, cơ chế mới về việc tổ chức đấu giá điện mặt trời là động thái tích cực để tiếp nhận nguồn điện mặt trời lên lưới ở khu vực phù hợp giúp doanh nghiệp phát đầy đủ công suất. Đồng tình, bà Trần Kim Chi, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển phù hợp với tiềm năng, khả năng phát triển ở Việt Nam.
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tập chung vào chính sách cho hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống. Luật về PPP có hiệu lực từ 1/1/2021 cũng là nền tảng quan trọng đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo.
Có thể bạn quan tâm
“Giải phóng” năng lượng tái tạo
11:00, 02/11/2020
Chính sách năng lượng tái tạo chưa bắt nhịp được với cuộc sống
04:50, 31/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Giải pháp tổng thể cho điện mặt trời
11:00, 29/10/2020
Công bố kết quả bình chọn Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2020
18:00, 28/10/2020
Lựa chọn phát triển hình thức năng lượng tái tạo nào cho tương lai?
16:34, 28/10/2020
“Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng trong tương lai”
16:13, 28/10/2020
Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo và thực tiễn tại Việt Nam
15:51, 28/10/2020