Thuỷ điện dịch chuyển giờ phát điện có làm tăng chi phí điện năng?
Dịch chuyển giờ phát điện cao điểm đối với các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ giúp đảm bảo vận hành tốt cho toàn hệ thống và không làm tăng giá mua điện đối với EVN.
Tại Quyết định số 478/QĐ-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 09/2/2021, cho phép dịch chuyển giờ phát điện cao điểm đối với các nhà máy thủy điện nhỏ từ khung thời gian 9h30 đến 11h30 sang khung thời gian 6h00 đến 8h00 trong các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy, đem lại nhiều lợi ích cho toàn hệ thống điện.
Đối tượng áp dụng của quyết định này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng các tổ chức, cá nhân bán điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ và đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nội dung quy định tại Quyết định 478/QĐ-BCT, xuất phát từ nhu cầu phụ tải của hệ thống điện tại từng khu vực, có xét đến các phụ tải đã tự dùng điện mặt trời áp mái để tính toán, xác định các nhà máy thủy điện nhỏ cần thiết phải dịch chuyển giờ phát điện cao điểm (không dịch chuyển giờ phát điện cao điểm đối với từng tổ máy).
Theo đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu, việc dịch chuyển giờ phát điện cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ phải đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia, đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định, tin cậy và hiệu quả, nhưng đồng thời, không làm phát sinh tăng chi phí khi mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ so với trước thời điểm dịch chuyển giờ phát điện cao điểm, gây áp lực đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Phân tích về vấn đề này, ông Trần Đình Sính, cố vấn Kỹ thuật thuộc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh GreenID cho hay, khung giờ cao điểm áp dụng cho các thủy điện nhỏ hiện được quy định tại Thông tư 32/2014/TT-BCT (và Thông tư sửa đổi số 29/2019/TT-BCT) là phải phù hợp với quy định về biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Giờ cao điểm ở Việt Nam được quy định từ ngày thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần và gồm 5 giờ mỗi ngày: (Từ 09 giờ 30 đến 11 giờ 30 và từ 17 giờ 00 đến 20 giờ 00).
"Hầu hết thủy điện nhỏ là những thủy điện có hồ nhỏ, đêm tích nước, đến giờ cao điểm phát vào lưới để phủ đỉnh. Do hồ chứa dung tích có hạn nếu không phát mỗi ngày thì hôm sau không còn chỗ chứa nữa nên thuỷ điện nhỏ phải phát hàng ngày. Như vậy thủy điện nhỏ thường được dự kiến phát vào khoảng từ 9 giờ 30 đến 11h30 hàng ngày để đáp ứng nhu cầu phụ tải lúc cao điểm cho lưới điện. Đây là thời điểm có lợi cho vận hành lưới chứ không phải lợi cho người đầu tư thủy điện nhỏ" - Ông Sính khẳng định.
Trong đó, giá mua thủy điện nhỏ theo “Chi phí tránh được” do Bộ Công thương quyết định từng năm. Giá này thường từ khoảng 700 đồng/kWh đến 750 đồng/kWh. Phần điện thừa không trong hợp đồng có giá chỉ 363 đồng/kWh, gần như cho không.
Như vậy cho thấy, người chủ nhà máy thủy điện nhỏ bán điện với giá rất rẻ, cao nhất là 750 đồng/kWh, bằng 40% so với giá điện bình quân mà Bộ Công thương quy định là 1864,44 đồng/kWh.
Lý giải thêm về nguyên nhân dịch chuyển giờ phát điện cao điểm không ảnh hưởng đến giá mua điện, kỹ sư Trần Đình Sính cho biết, giá mua thủy điện nhỏ vào giờ cao điểm, thấp điểm hay giờ bình thường không chênh lệch nhau. Ví dụ giờ cao điểm mua với giá 726 đồng/kWh, giờ bình thường là 726 đồng/kWh và giờ thấp điểm là 725 đồng/kWh. "Như vậy không ảnh hưởng gì đến giờ cao điểm hay thấp điểm của Bộ Công thương và EVN" - vị này cho biết.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2019 công suất thủy điện nhỏ đạt 3.674 MW, chiếm 6,57% công suất toàn hệ thống. Nếu mỗi năm chạy khoảng 3 ngàn giờ thì điện lượng thủy điện nhỏ phát ra khoảng 11 tỷ kWh. Vậy tổng điện lượng của hệ thống năm 2019 là 240 tỷ kWh. So với toàn hệ thống, điện lượng cả thủy điện nhỏ bằng 11tỷkWh/240 tỷ kWh tương đương 4,6% là một tỷ lệ không đáng kể, không ảnh hưởng gì tới hệ thống.
Nguyên tắc việc dịch chuyển thủy điện nhỏ từ giờ cao điểm từ 9h30 đến 11h30 sang 6h00 đến 8h00 là do điện mặt trời/gió phát triển khá nhiều. Mục đích của dịch chuyển này là đảm bảo vận hành tốt cho toàn hệ thống. Về mặt giá cả, sẽ không có chuyện tăng giá.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giá điện bán từ EVN cho hộ kinh doanh giờ cao điểm là 4.587 đồng/kWh, giờ bình thường là 2.666 đồng/kWh và thấp điểm là 1.622 đồng/kW. Sự chênh lệch này cho thấy giá điện tăng, chỉ xuất hiện ở chiều mua điện của khách hàng sử dụng điện tại các thời điểm trong ngày.
Có thể bạn quan tâm
Điện mặt trời miền Nam vượt mặt thủy điện lớn nhất miền Bắc
17:45, 18/01/2021
Khánh Hòa: Chủ đầu tư hai dự án thủy điện nhỏ và vừa xin điều chỉnh quy hoạch
11:00, 05/01/2021
Tạm dừng triển khai thủy điện nhỏ: Cần được pháp lý hoá!
05:00, 30/12/2020
Thuỷ điện thì xa - Đại biểu thì gần..
09:35, 06/11/2020
Cần tính toán lại việc cấp phép dự án thuỷ điện
02:00, 06/11/2020
ĐBQH Dương Trung Quốc: Các công trình thủy điện nhỏ sẽ rất nguy hại khi hết khấu hao
18:27, 04/11/2020