Trước những hệ lụy đáng lo từ thủy điện nhỏ, mới đây, Bộ Công Thương đề nghị tạm dừng triển khai các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng.
Với địa hình ngắn, độ dốc cao, rất nhiều thủy điện nhỏ đã được phê duyệt xây dựng trên các sông tại miền Trung. Hệ thống thủy điện nhỏ mang lại những lợi ích nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy. Ngoài ra, các thủy điện nhỏ này còn lấy đi một diện tích rừng khá lớn và để lại những hệ lụy xấu cho môi trường.
Theo một chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, các dự án thủy điện nhỏ không có khả năng kiểm soát lũ, khi thiên tai cực đoan xảy ra thì thủy điện nhỏ sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn. Nếu chèn quá nhiều thủy điện trên một lưu vực sông thì việc quản lý liên hồ chứa sẽ không làm được.
Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện nhỏ cũng không có khả năng điều phối liên hồ chứa. Khi thủy điện trên đầu nguồn mất kiểm soát - không còn khả năng kiểm soát lũ, mưa bao nhiêu xả bấy nhiêu thì tất cả các thủy điện bên dưới đều bị động, phải xả ra lượng nước lớn hơn, bao gồm nguồn nước lũ và nguồn nước tích lũy từ trước trong hồ chứa.
Vẫn theo chuyên gia này, đa số hồ thủy điện nhỏ nằm trên nhánh sông nhỏ nhưng đóng góp lũ rất lớn vì các chủ đầu tư phải ưu tiên cứu đập khi có lũ, mưa lớn, bởi nếu đập vỡ thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Các thủy điện thường xả lũ trong khi vùng hạ du đang bị ảnh hưởng của mưa lụt nên gây hậu quả lũ chồng lũ, chứ không thể kiểm soát được lũ.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có thủy điện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, công trình thủy điện.
Đáng chú ý, Bộ này đề nghị đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư, thì nghị tạm dừng. “Chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư; không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế”, Bộ Công thương đề xuất.
Bộ này cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh và kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương "chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10 MW”.
Đối với các dự án thủy điện đã vận hành và đang thi công, Bộ này đề nghị tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể những mặt tích cực, và hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển thủy điện trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt cần phân tích, đánh giá về an toàn các công trình và các vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan.
Ngoài ra, với việc đầu tư các dự án thủy điện khác, Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường quản lý về an toàn thi công, đặc biệt là các thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất để xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, kể cả xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của dư luận, đây mới chỉ là một công văn đề nghị, việc dừng hay không lại tuỳ thuộc vào địa phương do các quy định phân cấp về quy hoạch và cấp phép thuỷ điện nhỏ.
Còn nhớ năm 2013, nghị quyết 62 đã yêu cầu đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án thủy điện nhỏ. Nhưng đến nay, các thủy điện nhỏ được xây dựng vẫn có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, miền Nam.
Chỉ tính riêng tỉnh Lai Châu đã có tới 137 thủy điện được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và hiện đã có 95 dự án được tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư. Thử hỏi với 137 dự án thủy điện thì tỉnh Lai Châu sẽ phải chặn bao nhiêu con suối, làm ngập mất bao nhiêu ha rừng đầu nguồn, cắt chân bao nhiêu dãy núi để làm đường tới thủy điện?...
Trên thực tế, Lai Châu cũng như các địa phương khác khi phê duyệt dự án thủy điện đều đặt nặng mục đích kinh tế như cấp điện sinh hoạt cho dân, đóng thuế cho địa phương. Tuy nhiên, có sự bất bình đẳng là người hưởng lợi ích kinh tế từ các dự án thủy điện nhỏ nhiều nhất là nhà đầu tư tư nhân nhưng thiệt hại nhiều nhất từ thiên tai, từ xả lũ của thủy điện nhỏ là dân vùng hạ du.
Sự cố mưa lũ lớn tại miền Trung những ngày qua cho thấy các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa không thực hiện được chức năng thoát lũ, cắt lũ. Dự án thủy điện nhỏ thường đưa mực nước chết của đập lên rất cao, tức tích nước phát điện. Trong khi lũ về, chúng thường xả thẳng xuống hạ du.
Do đó, việc phát triển hệ thống thủy điện nhỏ phải hết sức thận trọng, không vì lợi ích nhỏ mà tàn phá môi trường trên diện tích lớn. Khi xây dựng các thủy điện nhỏ ở vùng sâu vùng xa buộc các chủ đầu tư phải cắt chân các dãy núi để làm đường tới công trình, nên nguy cơ sạt lở núi rất lớn.
Trên báo chí, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều phối Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã từng chỉ ra nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt dự án thủy điện nhỏ một phần do quy trình bổ sung dự án mới vào quy hoạch khá dễ dàng. "Chỉ cần thấy có tiềm năng làm dự án là họ bằng mọi cách vận động địa phương bổ sung vào quy hoạch. Dường như các thủy điện nhỏ và vừa đang được làm bằng mọi giá, nhà đầu tư chỉ cố đặt cho được tuốc bin phát điện trên sông suối để thu tiền". - ông Đào Trọng Tứ nói.
Trở lại với đề nghị tạm dừng xây mới thuỷ điện nhỏ của Bộ Công Thương để thấy, đề nghị này đúng là một nỗ lực rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong việc thực hiện cam kết sẽ loại trừ, không cho phép thực hiện bất kỳ một dự án thuỷ điện nào nếu sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên. Tuy nhiên, để văn bản này không rơi vào tình trạng như Nghị quyết 62 thì nó cần được pháp lý hoá bằng một văn bản chỉ đạo cấp Chính phủ. Bởi chỉ khi được luật hóa bằng văn bản cụ thể, có hiệu lực sớm nhất có thể, các địa phương sẽ chủ động làm theo. Nếu địa phương nào vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Có thể bạn quan tâm
09:35, 06/11/2020
02:00, 06/11/2020
14:36, 05/11/2020
18:27, 04/11/2020
15:43, 04/11/2020
18:56, 02/11/2020
15:52, 02/11/2020
09:15, 02/11/2020
17:15, 31/10/2020