CPI năm 2021 có thể giữ ở mức 4%?
Nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%.
Thời gian qua, bên cạnh giá sắt thép thì giá các mặt hàng khác như xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… cùng một loạt các phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... cùng tăng đã và đang là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ lạm phát đang đến gần.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021.
Bộ Tài chính thừa nhận còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến, giá xăng dầu tiếp tục tăng tác động làm giá trong nước tăng theo. Ngoài ra, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương làm ảnh hưởng tâm lý chung, căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm do một số yếu tố chủ yếu. Thứ nhất, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan trong năm nay, do việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới. Ở trong nước, hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, khiến nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng sẽ đẩy mặt bằng giá lên và tạo áp lực lên lạm phát.
Thứ hai, giá nguyên - nhiên vật liệu trên thế giới tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Dự báo, giá dầu Brent bình quân năm 2021 tăng 40% so với năm 2020, nên giá xăng dầu trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, tác động làm CPI cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm.
Thứ ba, các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo, đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đi lên.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết, những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa, vì theo tính toán phân tích dự báo của Cục Quản lý giá thì dư địa tăng 0,84% mỗi tháng để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Mặc dù vậy có những áp lực hiện hữu nêu trên, song ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, tin rằng, mục tiêu giữ CPI bình quân năm 2021 khoảng 4% là có thể thực hiện được.
Để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, trong thời gian còn lại của năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại.
Theo dự báo của giới chuyên gia, CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,2% - 3,8%.
Có thể bạn quan tâm
Gói kích cầu mới có kích lạm phát?
11:00, 05/06/2021
Làm thế nào để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát?
05:00, 04/06/2021
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 1) Lạm phát và làn sóng COVID-19 mới
04:00, 31/05/2021
Nhiều nhóm hàng đồng loạt tăng giá, CPI tháng 5 tăng 2,9%
14:00, 29/05/2021
Lãi suất của FED: CPI hay yếu tố nào quyết định?
07:32, 21/05/2021