Chỉ số CPI của Mỹ tăng cao đã dấy lên nhiều lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất. Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức đi trước nỗi lo ngại từ nhà đầu tư với vài phiên lao dốc.
CPI Mỹ tăng mạnh
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ ngày 12/5 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4/2021 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã dự báo lạm phát sẽ tăng khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại sau hàng loạt biện pháp hạn chế hồi năm ngoái nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Tuy nhiên, Hội đồng này đánh giá mức tăng CPI trong tháng 4/2021 chỉ là tạm thời, hay nói đúng hơn hiện tượng tăng giá một phần là do "bình thường hóa" giá cả ở một số lĩnh vực đã chịu tác động nặng nề do đại dịch.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho rằng CPI tăng sẽ chỉ là tạm thời khi nền kinh tế phục hồi sau đợt sa thải hàng loạt và hạn chế kinh doanh do dịch COVID-19.
Có thể thấy, mức lạm phát vượt xa dự báo này là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục hồi phục nhanh sau giai đoạn suy thoái vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Phố Wall đã có một phen hoảng loạn vì cho rằng sắp đến lúc Fed phải nâng lãi suất và cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE).
CPI quyết định việc tăng lãi suất?
Thực tế tại Mỹ, CPI và chỉ số lạm phát có ảnh hưởng mạnh đến quyết định điều chỉnh chính sách lãi suất của Fed hay không?
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, cho rằng đang có sự tiếp cận chính sách tiền tệ một cách rời rạc, dẫn đến phản ứng theo thị trường liên tục và khá giống như thời gian trước đây.
“Ngày trước mọi người không thể dự đoán được Chủ tịch Fed sẽ quyết định như thế nào trong tương lai, chính vì vậy mà nó tác động đến lãi suất và thị trường đầu cơ dựa vào thông tin đó dẫn tới sẽ có liên tục các sóng lên, sóng xuống”, CEO AFA Capital cho biết.
Theo ông Tuấn, vì thế, vào năm 1993, nhà kinh tế học Mỹ John B. Taylor đã đưa ra Quy tắc Taylor. Quy tắc đó đưa ra công thức tính lãi suất của Ngân hàng TW dựa trên 3 biến số: Lãi suất thực hiện tại, chênh lệch GDP của kỳ này so với kỳ GDP hướng tới, chênh lệch lạm phát thực tế so với mục tiêu.
Như vậy, yếu tố quyết định việc Fed tăng hay giảm lãi suất không chỉ do yếu tố lạm phát mà còn do chênh lệch GDP cũng như chênh lệch giữa lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế.
Nếu xét theo công thức thì hiện tại lãi suất phải âm, dưới 0, chứ không ở vùng tiệm cận 0 như hiện nay (lãi suất hiện nay Fed quy định là từ 0-0.25%). Khi Fed tăng lãi suất họ sẽ có một lộ trình dài đủ để cho thị trường hiểu họ sẽ tăng.
Với cách tiếp cận này, chúng ta sẽ nhìn nhận và dự báo đường đi của lãi suất một cách hệ thống, trên những thông tin nào cần thu thập. Quan trọng nhất vẫn nhìn vào GDP của Mỹ.
“Quan trọng nhất của các chính sách tiền tệ, đó phải là tăng trưởng GDP và tỷ lệ thất nghiệp. Do vậy nếu tăng trưởng GDP chưa đạt mức tăng trưởng kỳ vọng thì lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp”, ông Tuấn khẳng định.
Tại Việt Nam, chuyên gia cho biết NHNN cũng đang áp dụng Quy tắc Taylor, quy tắc này giúp chúng ta kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP. "Tuy nhiên Việt Nam còn...hơi thiếu độ tham chiếu về tỷ lệ thất nghiệp. NHNN đang có chính sách điều hành theo khuôn, kể cả về vấn đề tỷ giá. Nhờ đó chúng ta có một chuỗi rổ hàng hóa để theo dõi và dự báo các diễn biến chính sách trong một thời gian nhất định, không bị giật cục, bị động. Chính phủ và NHNN hướng tới việc ổn định kinh tế vĩ mô, do đó mới có được bức tranh ổn định của kinh tế Việt Nam hiện nay", chuyên gia cho biết.
Có thể bạn quan tâm