Xuất khẩu tăng đột biến: Nguyên liệu thủy sản có thiếu?
Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy việc thiếu nguồn cung nguyên liệu cho 6 tháng cuối năm có nguy cơ xảy ra.
>>> Xuất khẩu thuỷ sản “hụt hơi”, doanh nghiệp cần làm gì?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dẫn đầu là mặt hàng tôm với gần 1,9 tỷ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước; cá tra đạt hơn 1,2 tỷ USD tăng gần 90%; cá ngừ hơn 462 triệu USD tăng hơn 58%…
Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh “cầu vượt quá cung” hiện nay, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh dù giá bán nguyên liệu có tăng, quan ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu giai đoạn 6 tháng cuối năm là điều không tránh khỏi.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Chính vì thế, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng ấn tượng, bắt nguồn từ những dự báo về tình hình phục hồi sản xuất và thị trường sau đại dịch.
Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm 2022, ông Luân cho rằng ngành thủy sản Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt chủ chốt chi phối vẫn là giá thức ăn chăn nuôi và chi phí logistics tăng cao do giá xăng, dầu tăng xuất phát từ tình hình bất ổn chính trị thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thể kiểm soát tình hình và đưa ra các giải pháp kịp thời.
“Trước bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ngành hàng họp đánh giá tình hình, khả năng cung ứng và đặc biệt là khuyến cáo để tổ chức làm sao chúng ta tranh thủ được cơ hội thị trường và chi phí của sản xuất ở mức tương đối, duy trì được lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp”. – Ông Luân nhấn mạnh.
Theo đó, Tổng Cục Thủy sản cũng đưa ra 4 giải pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có hướng giải quyết kịp thời:
Một là, Tổng Cục Thủy sản sẽ cùng các doanh nghiệp hạn chế mức thấp nhất các trung gian, để làm sao giá vật tư đầu vào tăng, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến trong quá trình sản xuất.
Hai là, bàn bạc với những doanh nghiệp, sử dụng một số nguyên liệu trong nước để thay thế trong các thành phần cung cấp thức ăn trong thời gian tới để kết nối các vùng nguyên liệu có sẵn như sắn, ngô,… đến các doanh nghiệp chế biến. Hiện nay, Việt Nam cũng có thể không xuất khẩu để sử dụng ngay cho các doanh nghiệp trong nước.
Ba là, bên cạnh tổ chức sản xuất là áp dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu rủi ro, đây là khuyến cáo rất mạnh đối với người dân của ngành thủy sản Việt Nam. Nếu người dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, chủ động sản xuất và đầu tư một cách bài bài để hạn chế rủi rõ, từ đó chi phí sản xuất cũng giảm để tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp cũng có những lợi nhất định. Trong bối cảnh khó khăn này, Tổng Cục Thủy sản đã làm việc với các doanh nghiệp, ngành hàng để hạn chế đến mức tối đa việc tăng giá đột biến, cùng đồng hành, chia sẻ cùng với bà con để giữ nhịp sản xuất và giữ đầy đủ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, duy trì thị trường và duy trì chuỗi ngành hàng không bị đứt gãy.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh như hiện nay, các chuyên gia dự báo xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ đạt mốc kỷ lục 10 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao ngành thủy sản có nhiều ngư dân nhưng sản xuất lại manh mún, tự phát?
16:00, 07/06/2022
Quảng Ninh: Kỳ vọng trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc
01:16, 12/06/2022
Xuất khẩu thuỷ sản “hụt hơi”, doanh nghiệp cần làm gì?
04:00, 03/06/2022
Tăng tỷ lệ chế biến sâu nông, thủy sản chủ lực
00:30, 28/04/2022