Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm tăng mạnh, vì có sẵn nguồn nguyên liệu, nhưng hết tháng 5 đã hạ nhiệt, thậm chí khan hiếm vài tháng tới.
>>>Việt Nam – EU: Thông qua EVIPA và tháo gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết sau khi đạt kỷ lục trên 1,1 tỷ USD trong tháng 4/2022 với mức tăng trưởng trên 50%, sang đến tháng 5/2022 xuất khẩu thuỷ sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng, nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu thuỷ sản tháng 5 chững lại một chút so với tháng 4, theo VASEP chủ yếu do xuất khẩu tôm không còn tăng mạnh. Trong tháng 5, giá trị xuất khẩu tôm đạt 416 triệu USD, tăng 19%, sau khi tăng nóng 47% trong tháng 4. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá vì 5 lý do: có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021; nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh Covid căng thẳng; tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng; sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU…
Sang tháng 5, do ảnh hưởng của thời tiết, khiến nguồn nguyên liệu tôm trong không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Dự báo trong vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. Nói như ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tôm đang có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm ngành tôm có thể đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Bốn tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của công ty tôi là 45%. Lý do tăng trưởng xuất khẩu cao là do cuối năm rồi không đủ tàu, container vận chuyển nên các nhà máy dời sang năm nay để xuất. Quý I năm rồi cước tàu và chi phí tăng không được đưa vào giá bán nhưng năm nay khách hàng chấp nhận”, ông Võ Văn Phục nói.
Bên cạnh đó, nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý 2 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý 1.
“Chúng ta còn khó khăn nữa là cạnh tranh với một số nước khác như Ấn Độ, Indonesia… Các nước này bán rẻ hơn Việt Nam nên lượng hàng vào Mỹ của Việt Nam rất thấp so với những năm trước. Tình hình lạm phát mạnh ở các nước lớn như Mỹ nên sức mua giảm, họ muốn chuyển chi phí này cho người nuôi gánh”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ.
>>>Tăng tỷ lệ chế biến sâu nông, thủy sản chủ lực
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản
Dù được dự báo khả quan hơn mặt hàng tôm, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang hoang mang khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết COVID-19 trên thuỷ sản nhập khẩu, đã có một số doanh nghiệp bị trả hàng về và bị tạm ngừng xuất khẩu sang thị trường này vì lý do này. Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách zero Covid vẫn còn là trở ngại lớn với doanh nghiệp Việt Nam.
Tình hình chiến sự Nga - Ucraine chưa đến hồi kết, vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, đặc biệt là giá xăng càng ngày càng tăng cao đã khiến nhiều ngư dân ngừng ra khơi đánh bắt. Nguyên liệu hải sản khan hiếm vì chi phí khai thác cao.
Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp hiện nay.
Trong năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt gần 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung đối với các thị trường riêng lẻ trong khối; dán nhãn chính xác sản phẩm.
Các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu. Đồng thời, cần nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định EVFTA hơn nữa trong thời gian tới vì còn nhiều dư địa để phát triển; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 18/05/2022
22:38, 28/04/2022
06:03, 28/04/2022
00:30, 28/04/2022