Định hướng nào cho "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung"?
Tọa đàm "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung" do Ban Kinh tế TW phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức đã nêu định hướng và giải pháp liên kết vùng phát triển kinh tế…
>>Đà Nẵng xếp sau Quảng Nam về tăng trưởng GRDP vùng
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39-TW, lãnh đạo các bộ ban ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương 5 tỉnh khu vực cùng các chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi cùng bắt tay liên kết trong chương trình phát triển kinh tế vùng.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cùng Bí thư các tỉnh trong khu vực đã cùng đối thoại về cơ chế chính sách, bàn về mô hình để cùng phát triển.
Tại cuộc tọa đàm, ông Phan Việt Cường cho rằng: "Quảng Nam xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước trong thời điểm vừa chia tách và là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ nên khó khăn chồng khó khăn".
Với truyền thống cách mạng “trung dũng, kiên cường”, ý chí quyết tâm, chung sức, đồng lòng, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển (1997 - 2022), gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 25- KL/TW, Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, Quảng Nam vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004.
Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,1 triệu đồng/người (năm 2004) lên 67,6 triệu đồng/người. Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 23 ngàn tỷ đồng, gấp 15,4 lần so với năm 2005; là một trong 16 tỉnh, thành có đóng góp về ngân sách Trung ương.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển rất khả quan; chỉ số sản xuất trên các lĩnh vực tăng mạnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa và Nghệ An).
Tốc độ tăng trưởng đạt 12,8% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương có quy mô và mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện là 18.681 tỷ đồng (đạt 78,8% dự toán năm) trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.600 tỷ đồng (đạt 71,6% dự toán năm).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang, cho rằng chủ trương liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam đã chủ động trong liên kết xúc tiến, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại; liên kết phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa - xã hội.
Tỉnh phối hợp tổ chức các hội thảo về: Phát triển hệ thống và trung tâm logistics; hợp tác, phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng; xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; phối hợp với các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên tổ chức nhiều hoạt động về xúc tiến thương mại và khuyến công, Hội nghị kết nối cung cầu (năm 2017), Hội chợ triển lãm Công Thương duyên hải miền Trung (năm 2017); qua đó, tăng cường kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác trong sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, thương mại và dịch vụ...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Tọa đàm " Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới" nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới, phù hợp bối cảnh, tình hình mới và thực trạng phát triển các địa phương trong vùng".
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên khoảng 27.881,7 km2 ; dân số khoảng 6,5 triệu người ; là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước. Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có tài nguyên nguyên khoáng sản khá phong phú có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình, và có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam....; toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế ; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng , hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới. |
Có thể bạn quan tâm
Kết nối phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên
01:30, 28/06/2022
Quảng Nam sẽ có cảng biển lớn nhất miền Trung vào năm 2025?
01:51, 05/06/2022
Khai giảng khóa đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho khu vực miền Trung
04:19, 27/05/2022
Khai giảng khóa đào tạo cố vấn cho khu vực miền Trung
17:06, 26/05/2022