Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tuột dốc: Hiệp hội rau quả nói gì?
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 1,7 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó giảm sâu nhất là thị trường Trung Quốc với hơn 30%.
>>>Phụ thuộc thị trường Trung Quốc, sản phẩm dừa “gặp khó”
Xuất khẩu hàng rau quả vào thị trường Trung Quốc chiếm hơn 50 tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này ước đạt 1,7 tỷ USD, giảm 17% so vời cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc giảm, kéo theo giá trị xuất khẩu rau quả của cả nước cũng giảm theo.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, các thị trường như Hoa Kỳ, Hà Lan, … đều ghi nhận mức tăng trưởng 20 – 35%, riêng Trung Quốc là thị trường duy nhất ghi nhận mức giảm 30%, khi thị trường này chỉ đạt 110 triệu USD.
Giải thích nguyên nhân cho sự tăng trưởng trái chiều ở các thị trường, ông Nguyên cho biết, chính sách “Zero Covid” là yếu tố khiến sản lượng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm. Với việc nước bạn tiên tục tăng cường các biện pháp phòng dịch, khiến tốc độ giao hàng chậm, hàng hóa bị ùn ứ ở các cửa khẩu, cảng biển. Đối với các thị trường khác, ông Nguyên cho rằng các sản phẩm do Việt Nam trồng và sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu của các thị trường này, đây là yếu tố tiên quyết để hàng rau quả Việt Nam dễ dàng xâm nhập.
Bên cạnh đó, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm một phần bị ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Đây là “gốc rễ” của vấn đề tăng chi phí xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. “Khi nhiên liệu tăng thì kéo theo các mặt hàng giá cả sinh hoạt tăng theo, trong đó có những đầu vào của nông nghiệp không thể tránh khỏi. trong khi đầu vào tăng nhưng giá nông sản không tăng, thậm chí giảm chì vì vậy khó khăn cho các nhà sản xuất hiện nay” – Ông Nguyên chia sẻ.
Để giảm các tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến giá và chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam khi xuất khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp:
Thứ nhất là, tăng cường chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tránh vi phạm các những quy định của nước nhập khẩu về dư lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, sâu bệnh. Bởi vì, nếu các doanh nghiệp Việt Nam lơ là, không chú ý vấn đề này, hàng đến nơi có thể là bị hủy hoặc thiệt hại rất lớn.
Thứ hai, do tình hình hàng rau quả tươi phải vận chuyển bằng máy bay với chi phí rất cao, gặp nhiều rủi ro, trong đó rủi ro là hàng rào kỹ thuật. Mặt hàng tiêu thụ tương đối dễ hơn là mặt hàng rau quả chế biến, do đó cần tăng cường rau quả chế biến bởi: Thứ 1 là chúng ta tiết giảm được tiền cước; thứ 2 giảm khối lượng hàng hóa, từ đó xuất khẩu được nhiều, giá thành sẽ rẻ hơn, người tiêu thụ có thể tăng sức tiêu thụ hơn. Bên cạnh đó, ưu điểm của hàng rau quả chế biến là dễ dàng tiêu thụ được những ngóc ngách của thị trường với đa dạng sản phẩm như: hàng xấy hoặc đóng lon, đóng hộp, …
Dự báo tình hình 6 tháng tới, ông Nguyên cho rằng nếu Trung Quốc chưa gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt thì giá nhiên liệu vẫn còn cao và có thể cao kỷ lục. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ giá cả cũng như đầu vào của doanh nghiệp.
“Chắc chắn 6 tháng cuối năm nếu 2 mấu chốt này vẫn chưa được giải quyết thì tình hình sẽ rất khó khăn thậm chí còn xấu hơn nữa. Mình hy vọng hết năm nay thì 2 vấn đề này được giải quyết, Trung Quốc sẽ bỏ chính sách Zero covid, cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ ngã ngũ, lúc đó tình hình sẽ trở lại bình thường, tôi dự đoán ít nhất cũng phải cuối năm nay”. Ông Nguyên chia sẻ.
Có thể thấy, 6 tháng cuối năm 2022, tình hình thị trường không khả quan do những yếu tố từ nguyên, nhiên liệu hay lạm phát từ các quốc gia. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp cần linh động và có kế hoạch ứng phó với những biến động từ thị trường mà không thể dự đoán trước.
Có thể bạn quan tâm
Phụ thuộc thị trường Trung Quốc, sản phẩm dừa “gặp khó”
04:30, 07/07/2022
Nhà đầu tư đang “mất hứng thú” với thị trường Trung Quốc
03:00, 09/06/2022
“Hiệu ứng domino” từ thị trường Trung Quốc
04:00, 05/05/2022
Cần khảo sát đầy đủ thị trường Trung Quốc
04:00, 24/02/2022
Ùn tắc nông sản biên giới: Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính?
04:00, 23/12/2021