Lạm phát sẽ tăng trở lại trong quý cuối năm?
Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong quý cuối năm, nhưng với mức tăng thấp trong nửa đầu năm, lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ.
>>>Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự phục hồi từ quý IV/2023?
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, CPI cao nhất vào các tháng đầu năm và theo xu hướng giảm dần, tuy nhiên, từ tháng 7 xu hướng tăng đã dần trở lại.
Riêng tháng 9, CPI tăng tăng cao 1,08% so với tháng trước và 3,66% so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu tăng cao chịu ảnh hưởng của giá dầu thế giới và lộ trình tăng giá giáo dục. Lạm phát cơ bản vẫn đang trong xu hướng giảm từ đầu năm tới nay, CPI lõi bình quân 9 tháng tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022.
KBSV cho rằng, các yếu tố tác động chính tới CPI bình quân 9 tháng đầu năm bao gồm: Thứ nhất, giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,73% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.
Thứ hai, giá nhóm giáo dục tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm;
Thứ ba, giá lương thực tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thực phẩm tăng 2,83% so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết tác động làm CPI chung tăng 0,6 điểm phần trăm.
Theo KBSV, một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng trở lại trong quý cuối năm. Mặc dù vậy, với mức tăng rất thấp trong nửa đầu năm , Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, lạm phát cả năm 2023 vẫn sẽ được kiểm soát tốt ở mức thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra. Cụ thể, lạm phát 2023 cả năm dự báo tăng 3,6% so với năm trước, với mức tăng bình quân mỗi tháng trong nửa cuối năm là 0,77% so với tháng trước.
Trong đó, các yếu tố khiến lạm phát tăng bao gồm: (i) Giá xăng dầu tăng trở lại; (ii) Giá nguyên vật liệu xây dựng dự báo tăng nhẹ do đẩy mạnh đầu tư công cuối năm; (iii) Giá lợn, giá gạo tăng do những biến động về cung cầu; và (iv) Tăng học phí theo NĐ81.
“Ở chiều hướng tích cực, chúng tôi nhận thấy những yếu tố hỗ trợ kiềm hãm đà tăng của lạm phát bao gồm: cung tiền tăng thấp, giảm thuế VAT, chỉ số giá nhập khẩu bình ổn, giá nhiên liệu và VLXD dù có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ”, KBSV đánh giá.
>>>Giá dầu "bứt phá", lạm phát sẽ nóng trở lại?
Giá dầu Brent bật tăng mạnh lên mức gần 96 USD/thùng vào thời điểm cuối tháng 9, đánh dấu mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Dù hiện tại giá dầu đã hạ nhiệt, KBSV cho rằng, đây vẫn là một yếu tố rủi ro gây áp lực lên lạm phát Việt Nam. Trong quý cuối năm 2023, giá dầu Brent nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức trên 85 USD/thùng.
Giá lợn hơi bình quân tháng 9 đã giảm xuống mức 57.000/kg, giảm 4,8% so với tháng trước và giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở mức thấp. Dù vậy, KBSV dự báo, giá lợn từ giờ đến cuối năm sẽ tăng nhẹ lên mức 62.000/kg nhờ nhu cầu ăn uống nhà hàng, quán ăn, khu du lịch sôi động khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn hồi phục.
Trong khi đó, giá gạo trong nước dự báo cũng sẽ tăng theo giá gạo thế giới trong bối cảnh xảy ra nhiều biến động trong cung cầu thế giới: Ấn Độ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng, Philippines bỏ chính sách áp giá trần, Indonesia mở thầu 300.000 tấn gạo, Việt Nam chưa đến vụ thu hoạch chính… Cuối tháng 9, giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức gần 595 USD/tấn, cao nhất trong 11 năm qua.
KBSV cũng cho rằng, đầu tư công được triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm sẽ là động lực chính hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng trong nước. Dù vậy, mức độ tăng của giá VLXD sẽ không đáng kể do giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép và xi măng hạ nhiệt. Cũng như doanh số bán hàng ảm đạm từ lĩnh vực Bất đống sản dân dụng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án mới.
“Xét về áp lực lạm phát từ chính sách tiền tệ chúng tôi thấy chưa đáng lo ngại. Tính tới cuối tháng 9, tăng trưởng M2 ước đạt 7,75% YTD – mức khá thấp so với các năm trước, và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém hơn khi thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn khiến tăng trưởng tín dụng dù tăng tốc trong 2 tháng trở lại đây nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái”, KBSV đánh giá.
Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, chỉ số giá nhập khẩu của các nhóm hàng hóa trọng yếu gồm nông sản, thực phẩm, nhiên liệu và nguyên vật liệu chế biến, chế tạo đã tạo đỉnh từ quý III/2022 và đang trong xu hướng giảm, nhờ việc giá cả hàng hóa thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên tốc độ giảm đã chậm lại, trong bối cảnh nhu cầu các tháng cuối năm gia tăng, KBSV cho rằng, giá nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ đi ngang trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 41-NQ/TW: Định hướng không hình sự hoá quan hệ kinh tế
05:30, 19/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: "Cú sốc" với kinh tế châu Âu
04:00, 15/10/2023
Trung Quốc tức tốc “be bờ” nền kinh tế
04:30, 14/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới
04:00, 14/10/2023
Trung Quốc sắp có gói siêu kích thích kinh tế?
03:00, 14/10/2023