HPLA đề xuất phát triển trung tâm logistics Hải Phòng
HPLA đề xuất TP Hải Phòng tạo điều kiện cho nghiên cứu, đầu tư trung tâm logistics gồm nhiều loại hình vận tải, góp phần thực hiện logistics xanh và giảm chi phí logistics.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2023, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng (HPLA) cho biết, năm 2022, Hiệp hội đã kết nạp 87 hội viên với nhiều đóng góp trong các hoạt động quan trọng.
>>Phát triển logistics Hải Phòng: Xác định tiêu chí và ngành hàng trung tâm logistics
Nhiều kết quả tích cực
Năm 2022, mặc dù chịu những tác động vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19, sự bất ổn của tình hình thế giới chưa từng có tiền lệ, xung đột vũ trang giữ Nga- Ucraina, biến đổi khí hậu thiên tai khắc nghiệt… làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, lạm phát các nền kinh tế, sức mua giảm sút làm cho mất cân bằng cung cầu của thế giới. Đặc biệt từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển đảo chiều mạnh mẽ, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch Covid-19, từ thiếu vỏ rỗng container để chở hàng thì nay cả thế giới dư thừa hơn 6 triệu TEU. Qua đó báo hiệu một năm 2023 khó khăn cho ngành dịch vụ logistics.
Ngay cả trong tình hình đó, Hải Phòng vẫn là điểm sáng, chủ tịch HPLA nhận định. Năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội TP Hải Phòng tiếp tục ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 12,32% so với năm 2021, thuộc tốp đầu các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao.
Các doanh nghiệp Hội viên của Hiệp hội HPLA nói riêng và ngành dịch vụ logistics nước ta nói chung đã vượt qua khó khăn của Đại dịch Covid-19, trở lại hoạt động bình thường, tăng trưởng và phát triển bền vững, với tốc độ t từ 12%-15% tùy theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo về công tác Hiệp hội, ông Bùi Thanh Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) cho biết, năm 2022, HPLA đã tham gia tích cực vào công tác phản biện chính sách. Cụ thể, Hiệp hội đã tham gia và đóng góp ý kiến cho cuộc họp Chiến lược thúc đẩy hoạt động phát triển nguồn nhân lực ngành logistics và cảng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Úc (Australia Aid), tham gia và đóng góp ý kiến tại Hội thảo tham vấn ý kiến về quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức.
>>Chính sách thúc đẩy hình thành trung tâm logistics Hải Phòng
Đồng thời, Hiệp hội đã đóng góp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động đường thủy nội địa, giải quyết tình hình tắc nghẽn tại các bãi G-Fortune, Chân Thật Phương Đông… Tham gia các hội nghị hội thảo do các Bộ, Sở, Ban, Ngành tổ chức trên địa bàn TP Hải Phòng như: Diễn đàn Logistics đồng bằng sông Cửu Long, Diễn đàn logistics Việt Nam, Hội nghị toạ đàm tình hình thực thi hiệp định EVFTA – thực trạng và giải pháp tận dụng hiệu quả, …; Tham gia góp ý xây dựng sửa đổi những bất cập của các Nghị Định/ TT liên quan đến Hoạt động Logistics và Hải quan.
Đặc biệt, HPLA đã phối hợp với các hiệp hội kiến nghị UBND TP Hải Phòng về việc giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng khu vực cảng biển Hải Phòng đối với việc vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ nội địa. Ngày 09/12/2022, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hải Phòng đã thông qua nghị quyết số 21/2022-HĐND đồng ý giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng KV cảng biển Hải Phòng và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Đáng lưu ý, trong năm 2022, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát tuyến vận tải đường thủy nội địa trên hành làng vận tải thủy số 1, tổ chức các hội thảo chuyên đề tìm kiếm giải pháp phát triển vận tải thủy nội địa chở hàng container kết nối cảng biển Hải Phòng với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Các ý kiến, giải pháp được chia sẻ rộng rãi đến các thành viên hiệp hội, cũng như được đề xuất đến các cơ quan chức năng. Vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải có năng lực vận chuyển lớn, có khả năng tiết kiệm chi phí vận tải, thân thiện với môi trường, giúp giảm tải cho vận tải đường bộ. Các kiến nghị của Hiệp hội nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, tăng tính cạnh tranh cho phương thức vận tải này đã góp phần tham vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Đánh giá cao kết quả của HPLA trong năm 2022, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Logistics Đông Nam Á (AFFA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, trong năm qua, sau khi khi thành lập, Hiệp hội đã khẩn trương củng cố tổ chức và đi vào hoạt động có hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của hội viên; Có quan hệ gần gũi với các cơ quan có liên quan của Thành phố và bước đầu có sự hợp tác tốt trong công việc logistics, vận tải của thành phố. Hiệp hội cũng đã giữ mối quan hệ rất chặt chẽ với VLA.
Trong năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế và dịch vụ logistics thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhưng HPLA đã chỉ đạo các Hội viên hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, như: đã nhanh chóng kiện toàn và ổn định tổ chức của Hiệp hội; đại diện cho các doanhnghiệp hội viên đóng góp ý kiến, phản biện chính sách với thành phố và cả nước; tổ chức các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, nghiên cứu, cập nhật thông tin cho hội viên. Đặc biệt là Công tác phát triển Hội viên, xây dựng Hiệp hội. Trong năm đã kết nạp được 87 hội viên, không có hội viên xin ra Hiệp hội. Hiệp hội Logistics Hải Phòng đã vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương về những thành tích xuất sắc và đóng góp trong các hoạt động phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
“Năm 2023, khi ngành dịch vụlogistics của chúng ta sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường trong công tác do tiếp tục đứt gãy, mất cân bằng của chuỗi cung ứng toàn cầu, Hiệp hội HPLA cần nắm bắt tình hình thị trường dịch vụ logistics để giúp hội viên nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ logistics, có thể thích ứng với tình hình thị trường thay đổi, ổn định thị trường và khách hàng truyền thống, mở rộng thị trường ngách, thị trường Châu Á và ASEAN tận dụng các FTA thế hệ mới, nhất là CPTP, EVFTA và RCEP. Hỗ trợ các Hội viên đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ logistics tiên tiến để nâng cao năng suất, khả năng phục vụ của doanh nghiệp hội viên. Đồng thời tích cực phản biện chính sách của Thành phố liên quan đến dịch vụ logistics và công tác Hải quan, phát triển công tác đại lý, thực hiện logistics xanh. Đề xuất các chính sách mới để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp hội viên”, ông Đào Trọng Khoa đề nghị.
Đồng thời khẳng định, VLA sẽ tiếp tục hỗ trợ HPLA trong việc phản biện xã hội, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và tư vấn pháp lý, thực hiện các chuyên đề, đề tài chuyên môn về Logistics, nhằm giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ logistics.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm
Từ thực tế này, Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất TP. Hải Phòng tạo điều kiện cho HPLA nghiên cứu, đầu tư 1 trung tâm Logistics gồm nhiều loại hình vận tải, góp phần thực hiện logistics xanh và giảm chi phí logistics.
Bước sang năm 2023 là năm thứ 2, nhiệm kỳ I (2021-2025), HPLA nhận định, năm nền kinh tế có bước phát triển mới sau đại dịch Covid-19 tạo động lực mạnh mẽ cho ngành dịch vụ logistics nước ta nói chung và Hải Phòng nói riêng, tuy nhiên, ngành này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của quan hệ cung cầu thế giới.
Vì vậy, năm 2023, Hiệp hội HPLA sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phản biện chính sách, trọng tâm vào giảm chi phí logistics, phát triển ngành dịch vụ logistics, công tác Hải quan và kiểm tra chuyên ngành.
“Chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo” cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, HPLA sẽ chú trọng vào hoạt động logistics thông minh, logistics xanh, thiết thực nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, góp phần giảm chi phí logistics toàn ngành. Hiệp hội sẽ thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, phát triển hợp tác giữa các doanh nghiệp vận tải nội địa để tìm phương thức tối ưu hóa vận tải (tái sử dụng container rỗng). Hội sẽ tổ chức các Hội nghị/hội thảo về chuyển đổi số/logistics xanh trong các doanh nghiệp logistics. Tổng hợp, biên soạn một số tài liệu về chuyển đổi số giúp hội viên nâng cao nhận thức.
HPLA sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hiệp hội. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất tới các bộ, ngành, cơ quan chức năng về hỗ trợ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do đại dịch Covid-19 gây ra trong thời gian tới.
Hội sẽ tập trung nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp hội viên tích cực thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh giao nhận vận tải truyền thống sang kinh doanh mới với ứng dụng khoa học công nghệ số, hiện đại. Tận dụng các điều kiện thuận lợi do các FTA thế hệ mới mang lại, mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics ở thị trường truyền thống và thị trường mới, thị trường ngách. Phối hợp với Sở Công Thương Hải Phòng thực hiện điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu logistics Hải Phòng, tổng hợp danh sách kho bãi tại Hải Phòng
Hội cũng sẽ phối hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao, phù hợp với công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Đồng thời, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại và kết nối.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Logistics Hải Phòng kỷ niệm một năm thành lập
22:37, 20/08/2022
Hiệp hội Logistics Hải Phòng - "cánh tay nối dài" của cộng đồng doanh nghiệp
09:14, 30/07/2022
Nâng chất cho Hiệp hội Logistics Hải Phòng
18:35, 06/05/2022
Doanh nghiệp Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất xây dựng trung tâm logistics
09:43, 15/12/2021