Hậu Giang mở mang đô thị
Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết để tạo diện mạo mới cho Hậu Giang.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang được thành lập năm 2004 với hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội còn nhiều yếu kém. Sau 16 năm phát triển, Thành phố Vị Thanh hiện nay là TP trẻ, đang phát triển.
Cái khó của Hậu Giang
Đến nay Hậu Giang đã có 16 đô thị, gồm 1 đô thị loại II , 2 đô thị loại III, 13 đô thị loại V; nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 24,21% năm 2014 lên 25,9% vào cuối năm 2019. Dự kiến, đến năm 2030 Hậu Giang có 19 đô thị. Để đạt mục tiêu nêu trên, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và phát triển đô thị là rất cần thiết.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Hậu Giang vẫn là một trong những tỉnh còn nghèo của ĐBSCL. Thế khó của Hậu Giang là 80% dân số của tỉnh là dân nông nghiệp. Còn lại là công nhân và cán bộ công nhân viên chức.
Phát triển đô thị là tốt, thế nhưng có đến 90% nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đến từ các tỉnh khác. Phát triển đô thị trên cơ sở như thế, Hậu Giang hiện nay đang gặp khó ở chỗ: Người nông dân và công nhân không có thu nhập đủ mua đất nền dự án chứ đừng nói gì mua nhà ở các khu đô thị mới.
Đơn cử, tại khu đô thị Cát Tường Vị Thanh, một căn nhà mặt tiền, 1 trệt 2 lầu giá thị trường khoảng hơn 3 tỷ đồng. Một nền dự án Cát Tường diện tích khoảng 100m2, giá khoảng hơn 900 triệu. Chủ đầu tư đồng ý bán trả góp.
Nếu hai vợ chồng là cán bộ nhân viên, thu nhập 9 triệu đồng/tháng, chi tiêu xong còn khoảng 3 triệu đồng tiết kiệm. Muốn mua nền dự án Cát Tường, cặp vợ chồng này phải tiết kiệm khoảng 30 năm. Còn nếu mua nhà giá khoảng hơn 3 tỷ họ phải tiết kiện khoảng 100 năm(!).
Ở khía cạnh khác, ông Phạm Quang Hiếu, Giám đốc đầu tư khu vực phía Nam thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cho biết, từ năm 2018, Tập đoàn đã tiếp cận các dự án ở Hậu Giang.
Cụ thể, 4 dự án FLC đang làm các thủ tục đầu tư tại tỉnh này gồm: khu đô thị mới Vị Thanh (39,4 ha); khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh (190 ha); khu đô thị mới Nam Vị Thanh (120 ha) và dự án quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành (619 ha).
Tập đoàn FLC kiến nghị tỉnh đối với dự án đã tham gia lựa chọn nhà đầu tư (dự án khu đô thị mới Vị Thanh), đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để nhà đầu tư có mặt bằng triển khai xây dựng dự án. Nhà đầu tư rất mong muốn được được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định của tỉnh Hậu Giang.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Huỳnh Đức - Giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang cho biết, tỉnh có chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên trao đổi định kỳ hàng quý, hàng năm nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như công tác phối hợp triển khai của các sở, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Đức dẫn chứng hiện nay có 62 danh mục dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên doanh nghiệp đầu tư là một lẽ, thị trường bất động sản có tiêu thụ hết các sản phẩm của các dự án mở mang đô thị là một lẽ khác. Bên lề hội nghị, khi biết về giá đất các dự án khu đô thị ở Vị Thanh, nhiều người băn khoăn về triển vọng thị trường khi hàng loạt dự án có sản phẩm sau này.
Ông Hồ La Thành - Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang còn bày tỏ lo ngại, Ngân hàng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, cho người dân vay mua nhà, nhưng người nông dân và công nhân liệu có đủ tiền mua và liệu ngân hàng có sẵn lòng cho các đối tượng có thu nhập như vừa nêu trên vay?
Nhằm thu hút vốn đầu tư để mở mang đô thị, nhiều đại biểu đề nghị Hậu Giang hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng các dự án; cải cách hành chính phải thực chất, tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh hơn, giảm thiệt hại vì phải kéo dài thời gian dự án.
"Điều mà các nhà đầu tư cần lúc này chính là thông tin phải rõ ràng, minh bạch, chính thống. Những chính sách thu hút, sự cam kết của lãnh đạo địa phương và cách thực thi những cam kết đó" - Ông Ngô Quang Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Cần Thơ: Rộ huy động vốn trái phép bằng hình thức chuyển nhượng đất nền
11:10, 19/05/2020
Giải pháp nào gỡ vướng GPMB khu dân cư ở Cần Thơ?
07:20, 26/04/2020
Giải pháp phát triển đô thị ở Hậu Giang
22:29, 08/05/2020
Hậu Giang “dọn chỗ” đón nhiều dự án đầu tư mới
12:47, 05/03/2020
Hậu Giang –“vùng đất mới nổi” trong thu hút đầu tư
14:41, 22/02/2020