Với quỹ đất công nghiệp dồi dào và nằm sát TP.Cần Thơ, cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh - Hậu Giang đang là “điểm đến hấp dẫn” cho nhà đầu tư.
Là một tỉnh trẻ, mang trong mình những ưu thế về chính sách cởi mở về đầu tư và vị trí thuận lợi, Hậu Giang được kì vọng sẽ trở thành “tâm điểm” kinh tế của ĐBSCL.
Hậu Giang quy hoạch, xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất sạch nhiều Khu, cụm công nghiệp nằm sát TP.Cần Thơ rất thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bứt phá kinh tế từ dòng vốn FDI
Theo kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã có chính sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư theo hướng đồng bộ. Cụ thể, sẽ có hơn 9.400 tỷ đồng được đầu tư để hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hạ tầng giao thông Hậu Giang và liên kết vùng. Nhiều dự án giao thông quan trọng đã được xây dựng như đường tỉnh 927C, 931, 930, 930B, 927… 5 tuyến quốc lộ dài 121 cây số rải đều ra 4 hướng và đều hòa được với Quốc lộ 1A, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp Hậu Giang tăng tốc.
Mặt khác, nằm trên tuyến lưu thông huyết mạch của tiểu vùng Tây Sông Hậu, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh trong khu vực như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, TP. Cần Thơ. Đặc biệt, liền kề Cần Thơ, Hậu Giang có thế mạnh dùng chung hạ tầng về logistics, nhân lực chất lượng cao, cơ sở nghiên cứu khoa học…với TP. Cần Thơ- Trung tâm kinh tế khu vực Tây Nam bộ.
Tính đến cuối năm 2019, địa bàn tỉnh có gần 500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 123.860 tỷ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 552 triệu USD. Ngoài các dự án khai thác thế mạnh về nông nghiệp, Hậu Giang đang dần khẳng định mình khi các doanh nghiệp lớn về chế biến, chế tạo thuộc đa dạng lĩnh vực mà trước đây còn bỏ ngỏ lần lượt xuất hiện dày đặt ở tỉnh. Điển hình như Vingroup với dự án Vincom-Vinhouse (lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ); Masan (ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất bia, còn đang mở rộng dự án sản xuất nước mắm, thức ăn chăn nuôi…); Tân Hiệp Phát mở nhà máy NumberOne (nước giải khát); công ty giấy Lee & Man Việt Nam (sản xuất giấy bao bì); nhà máy Nhiệt điện sông Hậu (năng lượng); nhà máy luyện, cán thép Sunpro (chế tạo công nghiệp nặng)...
FDI: Đòn bẩy kinh tế cho Hậu Giang
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, mức độ đóng góp của FDI vào GDP của tỉnh ngày càng tăng. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 87,79% vốn đăng ký và đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Hồng Kông, Australia, Canada, Đài Loan, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản... Trong đó, Hồng Kông đang dẫn đầu về vốn FDI vào tỉnh với 4 dự án có tổng vốn đăng ký trên 281 triệu USD.
Tín hiệu đáng mừng là một số ngành công nghiệp vốn còn bị bỏ ngỏ tại địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các doanh nghiệp FDI “đánh thức”. Trong đó, việc tập đoàn giấy Lee & Man Hongkong chọn Hậu Giang làm địa điểm xây dựng nhà máy khi đầu tư tại Việt Nam đã giúp tỉnh này có điều kiện phát triển công nghiệp giấy - ngành công nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp khoảng 1,5% vào giá trị GDP cả nước nhưng lại chưa được đẩy mạnh đầu tư không chỉ tại Hậu Giang mà toàn vùng ĐBSCL.
Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam đang đóng góp 14% sản lượng giấy bao bì chung toàn ngành.
Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man cho biết: “Với công suất 420.000 tấn/năm với sản phẩm chính là giấy bao bì (loại giấy rất ít nhà máy trong nước sản xuất được) từ nguyên liệu đầu vào là giấy tái chế, Lee&Man là một trong những nhà máy sản xuất giấy công nghệ cao với quy mô lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), hơn 50% sản lượng giấy bao bì hiện tại được sản xuất bởi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Lee & Man Việt Nam (chiếm khoảng 14% sản lượng giấy bao bì chung toàn ngành).
Được biết, trong Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 của Bộ công thương ban hành ngày 14/2/2014 có chỉ ra định hướng phát triển ngành công nghiệp giấy là ưu tiên, khuyến khích các nhà máy có công suất trên 100.000 tấn/năm để đảm bảo điều kiện hiện đại hóa và hiệu quả kinh tế. Do vậy, trong tương lai, nhà máy Lee & Man nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất để góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành công nghiệp giấy và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao của giấy làm bao bì nội địa, góp phần cân đối bài toán cung - cầu từ thị trường.
“Với những nỗ lực cho “sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường: các báo cáo của Công ty gửi về Sở TNMT Hậu Giang cho thấy nước thải của nhà máy sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao hơn chuẩn xả thải cho phép đối với ngành công nghiệp giấy và được cập nhật liên tục trên hệ thống giám sát, đảm bảo sự cố (nếu có) sẽ được khắc phục kịp thời. “Mỗi năm, công ty đều dành khoảng chi phí lên đến hàng triệu USD cho việc củng cố và gia tăng hiệu quả của hệ thống xử lý thải tại nhà máy”, Ông Patrick Chung chia sẻ.
“Trong chặng đường “bật sức” kinh tế - xã hội đồng bộ tại Hậu Giang, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp mới đầu tư, việc những doanh nghiệp cũ tiếp tục gắn bó, có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất cũng góp phần đẩy mạnh công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, đảm bảo an toàn môi trường địa phương khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất cũng là yếu tố mà các cơ quan chức năng cần xem xét”, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
14:41, 22/02/2020
11:06, 31/01/2020
16:43, 10/01/2020
05:10, 04/01/2020
Hậu Giang quy hoạch, xây dựng hạ tầng tạo quỹ đất sạch nhiều Khu, cụm công nghiệp nằm sát TP.Cần Thơ rất thuận lợi cho nhà đầu tư.