Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa giao Giám đốc Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP…
Theo đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cần Thơ có báo cáo số 125/BC-HĐND ngày 29/4/2020 về kết quả giám sát công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với chủ dự án trong việc đầu tư, kinh doanh và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho người dân tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố có 102 dự án khu dân cư, khu tái định cư, khu đô thị mới với quy mô gần 2.700ha (Sở KH&ĐT quản lý 36 dự án, Sở Xây dựng quản lý 66 dự án). Trong đó, có 24 dự án đã hoàn thành với diện tích đất gần 170ha và 78 dự án được chấp thuận đầu tư, đang thực hiện đầu tư với diện tích hơn 2.527ha.
Trong đó, các dự án kinh doanh bất động sản (BĐS) là đất nền, việc mua bán chỉ được thực hiện khi cơ quan TN&MT cấp GCNQSDĐ thì chủ đầu tư mới được kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua công tác công khai, kiểm soát, phối hợp, giữa Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT chưa hiệu quả nên việc kinh doanh đất nền diễn biến rất phức tạp, hầu hết các chủ đầu tư đều vi phạm về điều kiện kinh doanh BĐS.
Năm 2019, Sở Xây dựng đã thành lập tổ kiểm tra và tiến hành kiểm tra 9 dự án, gồm: khu dân cư 91B - giai đoạn 3; khu đô thị mới An Bình; trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở, địa điểm phường Cái Khế, quận Ninh Kiều; khu đô thị mới Cồn Khương; khu đô thị Đại Ngân; khu nhà vườn Cồn Khương; khu dân cư phường Bình Thủy – kho 301; khu dân cư phường Hưng Thạnh – lô số 5C và khu dân cư phường Phước Thới.
Qua kiểm tra 9 dự án, cơ quan chức năng TP Cần Thơ phát hiện có 4 dự án chủ đầu tư có thực hiện huy động vốn bằng hình thức chuyển nhượng đất nên vi phạm huy động vốn không đúng quy định; 5 dự án chủ đầu tư không thừa nhận có thực hiện huy động vốn nhưng thực tế đã có thực hiện giao dịch mua bán.
Bên cạnh đó, các lỗi vi phạm như chưa thực hiện công khai thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh, hoặc đưa thông tin các dự án lên các phương tiện truyền thông, áp phích quảng cáo không rõ ràng, thiếu chính xác, vi phạm về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, hay chưa có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất… Đây là hành vi vi phạm khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, cụ thể là “không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về BĐS”.
Theo đánh giá, công tác kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi dự án được giao chủ trương đầu tư có thực hiện nhưng chưa nhiều, chưa quyết liệt, dẫn đến hầu hết các dự án chậm tiến độ, nhiều dự án phải trình điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện; việc kiểm tra về điều kiện kinh doanh tại các dự án phát triển nhà ở của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ…
HĐND TP Cần Thơ kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý các dự án nâng cao vai trò, thường xuyên giám sát nắm thông tin, đề xuất tháo gỡ khó khăn, kịp thời xử lý từng dự án, xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm cam kết tiến độ thực hiện dự án. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn, tiếp tục chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, đăng thông tin mua bán BĐS không chính xác. Đề xuất các giải pháp cứng rắn và xử lý kịp thời đối với các nhà đầu tư vi phạm… Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà gắn liền với đất, nhất là việc cấp giấy chứng nhận cho người dân. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận cho người dân tại các dự án. Không để xảy ra tình trạng chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận cho ngân hàng hoặc kéo dài thời gian chuyển nhượng như phản ánh của cử tri thời gian qua. |
Có thể bạn quan tâm