Là một tỉnh vùng sâu, nên tỉnh Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển các khu đô thị.
Hiện nay một số đô thị ở tỉnh Hậu Giang, như thành phố Vị Thanh… đã được công nhận đô thị loại II, nhưng hiện vẫn còn một số tiêu chuẩn có số điểm thấp hơn so với quy định, như số dân cư đô thị, mật độ dân số trung bình… Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, để khắc phục những hạn chế này, thì việc thu hút đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà ở là rất cấp bách đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại II.
Bên cạnh đó, Hậu Giang có vị trí địa lý gần thành phố Cần Thơ nên cần kết nối những đô thị vệ tinh của Hậu Giang với TP. Cần Thơ. Theo đó, về lâu dài những đô thị như Vị Thanh, Ngã Bảy, Cái Tắc... sẽ kết nối giao thông, thương mại, du lịch và dịch vụ với TP. Cần Thơ, tạo nên chuỗi đô thị Hậu Giang - Cần Thơ cùng phát triển.
Ngoài ra, phát triển đô thị dựa vào sự phát triển các khu công nghiệp (KCN) cũng là hướng mở cho Hậu Giang trong thời gian tới. Hiện nay, Hậu Giang có KCN Tân Phú Thạnh, khu vực này hiện có từ 20.000- 30.000 công nhân lao động, ăn theo KCN này thời gian qua có các khu dân cư Vạn Phát, khu dân cư Hồng Phát và khu dân cư Thiên Lộc HG.
Tại khu công nghiệp Hậu Giang, nơi có hàng chục ngàn công nhân, cũng đã có quy hoạch, phát triển khu dân cư Vạn Phát sông Hậu, khu dân cư Mái Dầm... Tuy nhiên, khi phát triển các khu dân cư này, các nhà đầu tư cần tính toán kỹ sao cho giá thành nhà, đất ở đây phù hợp với thu nhập của người lao động.
Ông Nguyễn Công Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, cho rằng Hậu Giang phải có những giải pháp như: quy hoạch phát triển đô thị hợp lý; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm; giải quyết vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư cho tốt... để đẩy mạnh phát triển các đô thị theo đúng quy hoạch.