Bất động sản công nghiệp phía Nam tăng giá do thiếu cung?
Việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy và quỹ đất mới bị trì hoãn, do giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng COVID-19.
Theo báo cáo bất động sản công nghiệp các tỉnh phía Nam của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố, trong quý 2/2020, tổng diện tích đất cho thuê của khu vực phía Nam đạt 25.045 ha. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn cung càng trở nên rõ rệt hơn khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy và quỹ đất mới bị trì hoãn, do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng của COVID-19.
Tính đến cuối quý 2/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn khu, cụm công nghiệp phía Nam đạt 84%. Từ việc thiếu nguồn cung dẫn đến giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam tăng cao.
Cụ thể, theo báo cáo của JLL, TP. HCM đang là địa phương dẫn đầu với giá thuê đất khu công nghiệp đạt 182,8 USD/m2, tính trên chu kỳ thuê. Theo sau là Bình Dương, Đồng Nai, Long An lần lượt ghi nhận cột giá 88 USD, 98 USD và 133 USD. Trong khi đó, giá đất và nhà xưởng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đạt mốc 80 USD/m2. Tính trung bình giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đạt mức 106 USD/m2.
Theo số liệu từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng.
Còn tại phía Nam, chỉ tính riêng tỉnh Long An trong quý 2/2020 đã có 5 khu, cụm công nghiệp được triển khai xây dựng. Trong đó phải kể đến khu công nghiệp Việt Pháp, do Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An làm chủ đầu tư, với tổng diện tích dự án lên đến 1.800 ha, được chủ đầu tư quy hoạch hiện đại, theo mô hình kết hợp giữa KCN và khu đô thị.
Đáng chú ý, trong tổng diện tích 1.800 ha đất dự án, chủ đầu tư dành 1.200 ha cho KCN, chỉ có 625 ha cho đô thị. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đua nhau đổ vốn vào phân khúc bất động sản công nghiệp sau một thời gian dài phân khúc này chưa được quan tâm đúng với tiềm năng.
Nhờ nhu cầu cao, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp đều có báo lãi quý 1/2020 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019, cá biệt có doanh nghiệp báo cáo tăng trưởng lên đến hơn 300%. Đơn cử như Tổng công ty Cổ phần Phát triển khu công nghiệp Sonadezi báo lãi 270 tỉ đồng, tăng trưởng 51%; Hay như Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức, một công ty thành viên của Tổng công ty Sonadezi báo lãi ròng đạt 53,7 tỉ đồng, tăng trưởng tới 190% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Long Hậu lãi sau thuế 63,2 tỉ đồng, tăng 15,1% lên mức; Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo lãi 25,4 tỉ đồng, tăng trưởng 341%.
Theo giới chuyên gia tư vấn và nghiên cứu về bất động sản, bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng đang đứng trước 2 cơ hội lớn là sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn dự kiến và những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực. Do vậy, các chuyên gia nhận định trong thời gian tới sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam, đồng thời khuyến cáo các nhà đầu tư trong nước nên nắm bắt cơ hội này.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản công nghiệp Hải Phòng trước 'thời cơ vàng' bứt phá
11:38, 07/07/2020
Hải Phòng: Cần tận dụng lợi thế của bất động sản công nghiệp
17:43, 06/07/2020
Hải Phòng: Bất động sản công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt thị trường
17:00, 03/07/2020
Bất động sản công nghiệp: "Dọn tổ đón đại bàng"
06:00, 20/06/2020