Để công trình xanh Việt Nam cất cánh

PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia 14/02/2021 12:30

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý thông tin Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nêu về việc cần thiết có Bộ chứng chỉ công trình xanh.

Thuật ngữ “Công trình xanh” (CTX) bắt đầu manh nha trên thế giới vào những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này, thế giới đã trải qua một quá trình CNH - HĐH mạnh mẽ suốt gần 2 thế kỷ, và nhận ra rằng, cái giá của công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế là thâm dụng tài nguyên, suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.

Công cụ và tiêu chí đánh giá

Một cách đơn giản, CTX được hiểu là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt vòng đời của chúng (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ). Như vậy, CTX trước hết là một “công trình tiết kiệm năng lượng”; Hơn thế, nó là “công trình tiết kiệm năng lượng và tài nguyên” (tài nguyên gồm: nước, vật liệu xây dựng…); Đồng thời giảm thải ra môi trường; Và hơn thế nữa, là công trình còn tạo ra một môi trường tốt cho người sử dụng.

Cho tới nay, CTX đã trở thành một xu hướng của thời đại. Ở mức độ cao hơn nữa, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “superlow energy building hay “zero energy building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng nhờ khả năng tự tạo ra năng lượng phục vụ chính nó, thậm chí còn cung ứng thêm vào mạng lưới. Từ khái niệm CTX ban đầu, thế giới liên tục nâng cao chuẩn xanh, và phát triển các mô hình thiết kế và xây dựng mới ngày càng hiệu quả về tài nguyên và môi trường.

Việc đo lường các mức độ xanh một cách chính xác, cụ thể đặt ra yêu cầu về tiêu chí và công cụ đánh giá. Do đó, đồng hành với phong trào xanh hoá xây dựng ở các nước là sự ra đời các Bộ công cụ đánh giá - chứng nhận CTX, bao gồm các bộ tiêu chí, cách thức đo lường đánh giá và quy trình đánh giá chứng nhận.

Hiện đã có trên 100 quốc gia thành lập Hội đồng CTX, xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí CTX của mình, thực hiện các chính sách, các biện pháp đẩy mạnh phát triển CTX và đã có hàng trăm nghìn công trình xây dựng đã được đánh giá và chứng nhận.

Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam ngày càng phát triển. Các KTS hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà ngày càng “xanh” hơn: thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Hầu hết những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam có dạng thiết kế thụ động, ứng phó với vấn đề khí hậu rất thông minh.

Hai chính sách đòn bẩy

Tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có gần 150 công trình được công nhận CTX theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LEED, EDGE, LOTUS, Green Mark. Trong các bộ tiêu chí CTX đã được áp dụng ở Việt Nam, có bộ LOTUS là một bộ chứng chỉ được xây dựng cho điều kiện Việt Nam, do Hội đồng CTX Việt Nam phát triển Việt Nam; còn lại là các bộ công cụ quốc tế hoặc của các nước khác.

Hiện nay, thực hiện các CTX ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ nhà nước. Nhiều công trình chứng nhận LEED tại Việt Nam, phần lớn là các nhà máy của các doanh nghiệp Mỹ hoặc các tập đoàn đa quốc gia là các CTX vì họ xem trách nhiệm môi trường là một loại đạo đức xã hội.

Gần 150 CTX được công nhận trong 10 năm qua là một tín hiệu đáng khích lệ. Con số này cho thấy thị trường CTX đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng nhưng tốc độ rất vừa phải. Vậy, làm thế nào để thị trường CTX ở Việt Nam cất cánh? Đây còn là câu hỏi đặt ra trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong hiện tại và tương lai!

Trong khung chính sách CTX Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ CTX chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách. Bên cạnh đó, sau khi đánh giá, so sánh về các mặt thì đề xuất chọn bộ công cụ LOTUS do Hội đồng CTX Việt Nam phát triển làm bộ công cụ cơ bản.

Có thể bạn quan tâm

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (IV): Ban hành hướng dẫn chứng nhận công trình xanh trong năm 2021

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (IV): Ban hành hướng dẫn chứng nhận công trình xanh trong năm 2021

    06:14, 13/02/2021

  • Ban hành hướng dẫn chứng nhận công trình xanh trong năm 2021

    Ban hành hướng dẫn chứng nhận công trình xanh trong năm 2021

    04:00, 06/02/2021

  • Bộ chứng chỉ cho công trình xanh: Bài học từ Singapore

    Bộ chứng chỉ cho công trình xanh: Bài học từ Singapore

    09:00, 27/12/2020

  • Bộ chứng chỉ cho công trình xanh: Nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp

    Bộ chứng chỉ cho công trình xanh: Nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp

    11:50, 26/12/2020

  • Bộ chứng chỉ cho công trình xanh: Quy định chưa đầy đủ

    Bộ chứng chỉ cho công trình xanh: Quy định chưa đầy đủ

    14:00, 25/12/2020

  • Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về Bộ chứng chỉ công trình xanh

    Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về Bộ chứng chỉ công trình xanh

    12:00, 21/12/2020

  • Bế mạc Tuần lễ Công trình xanh 2020

    Bế mạc Tuần lễ Công trình xanh 2020

    19:42, 12/12/2020

PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia