Hà Tĩnh xuất hiện cơn sốt đất mới

TÂM ĐAN 19/09/2021 03:30

Bất chấp đại dịch COVID-19, giá đất nhiều địa phương vùng nông thôn tại Hà Tĩnh tăng chóng mặt, người mua kẻ bán tấp nập khiến thị trường bất động sản lên cơn sốt.

Đất nông thôn được “săn đón”

Tại phiên đấu giá ngày 17/9, 18/18 lô đất tại thôn Nam Xuân, xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên) được đấu giá thành công với mức giá chóng mặt. Theo đó, 18/18 lô đất này có giá khởi điểm hơn 4,6 tỷ đồng, sau khi đấu giá thu về hơn 12,6 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần.

Đặc biệt, lô đất số 45 có giá khởi điểm là 250 triệu đồng, sau 3 vòng đấu lô đất này được “chốt” thành công với giá 805 triệu đồng, vượt giá khởi điểm 58 bước.

Để đảm bảo 5k thì công ty đấu giá chỉ mời những ngưòi tham gia đấu giá vào phòng đấu giá theo từng lô cụ thể

Để đảm bảo 5k công ty đấu giá chỉ mời những người tham gia đấu giá vào phòng đấu theo từng lô cụ thể

Theo tìm hiểu của PV, ngoài hồ sơ tham dự đấu giá của người dân địa phương còn có rất nhiều người từ các vùng khác về tham gia đấu giá và trúng do họ “đặt” giá quá cao, trong khi nhu cầu thật sự người dân muốn mua đất làm nhà lại ít trúng. Ngay sau cuộc đấu giá, các chủ lô đất vừa trúng “rao bán” ngay tại chỗ với giá chênh lệnh từ 50-100 triệu đồng/lô.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Chưa bao giờ đất Cẩm Hà lại sốt như hiện nay. Trước đây, quy hoạch xong không bán đủ hồ sơ để đấu giá, nhiều lô đất phải tổ chức nhiều lần đấu mới có người trúng. Lần này làm quy hoạch, thấy tình hình dịch bệnh phức tạp chúng tôi lo lắng buổi đấu giá sẽ giống như những lần trước. Thế nhưng, sau thời gian thông báo, lượng hồ sơ nhiều bất ngờ, tất cả các lô đất đều được đấu thành công với mức giá rất cao”.

Trước đó, tại xã Thạch Thắng (huyện Thạch Hà), công ty đấu giá hợp danh Trường Thịnh cũng tổ chức đấu giá thành công bằng hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp 8 lô đất tại khu quy hoạch dân cư vùng Le Le, thôn Yên Lạc thu về hơn 18,716 tỷ đồng. Các lô đất này đều đấu vượt trên 54 bước giá, tổng số tiền thu về vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng.

"Cò" thổi giá, người có nhu cầu thật chịu thiệt

Từ các phiên đấu giá đất tăng cao, như một hiệu ứng mạnh mẽ dẫn đến đất thổ cư trong làng, trong ngõ cũng tăng cao. Đội hình môi giới bất động sản cũng được dịp “đục nước béo cò” để tung quân về các đô thị, thậm chí cả vùng nông thôn để thổi giá rồi mua đi, bán lại.

Một miếng đất vừa bán với giá 6 triệu đồng/m2, chỉ vài ngày sau lại được bán với giá 8 triệu đồng/m2 và tiếp tục tăng giá mỗi lần “qua tay” một chủ mới.

Giá đất tại các vùng đấu giá tăng cao chủ yếu là do các nhà đầu cơ thổi giá, làm giá, tạo sóng ảo ngắn hạn để tranh thủ kiếm lợi

Giá đất tại các vùng đấu giá tăng cao chủ yếu do các nhà đầu cơ thổi giá, tạo sóng ảo ngắn hạn để tranh thủ kiếm lợi

Theo các chuyên gia, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả. Lãi suất ngân hàng giảm cộng với việc đầu tư ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận kinh tế tức thì, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nhanh chóng chốt và giữ giá trị tài sản bằng đất đai.

Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thực tế thị trường bất động sản Hà Tĩnh tại các vị trí đất đẹp của trung tâm thành phố giá cả không tăng, lượng người giao dịch không nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng giá đất cao bất ngờ tại các vùng đất đấu giá nông thôn với số lượng người tham gia rất đông. 

“Giá đất tại các vùng đấu giá tăng cao chủ yếu là do các nhà đầu cơ thổi giá, làm giá, tạo sóng ảo ngắn hạn để tranh thủ kiếm lợi từ những người theo hội chứng đám đông. Đa phần những người trúng đấu giá đều là những nhà đầu cơ, còn người dân có nhu cầu nhà ở thực sự tỷ lệ trúng rất nhỏ. Sau khi đấu giá thành công, họ sẽ mua qua bán lại với nhau, khi đến tay người tiêu dùng thì giá đã đẩy lên cao. Cuối cùng người tiêu dùng bị thiệt bởi giá đất thực tế thấp hơn nhiều”, ông Quỳnh cho hay.

Theo ông Quỳnh, thực tế nhu cầu về đất ở tại Hà Tĩnh hiện nay chưa mạnh để đẩy giá lên cao mà chủ yếu do các nhà đầu cơ bắt tay nhau thổi giá, tạo sóng để kiếm lợi nhuận.

“Hiện trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu có đợt sóng ảo mới, hiện tượng này do các làn sóng đầu tư bất động sản ngoài Bắc tràn vào Hà Tĩnh. Nhất là thời điểm đầu năm nay, các tỉnh phía Bắc rộ lên làn sóng này, hàng trăm lô đất được đẩy giá quá cao không thể bán được, nhiều nhà đầu cơ chấp nhận bỏ cọc với số tiền hàng trăm tỷ đồng”, ông Quỳnh nói.

Cơn sốt tràn về các vùng nông thôn, nông dân đua nhau bán đất, nguy cơ nhãn tiền hiện hữu trước mắt. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản lo ngại rằng tình trạng sốt đất tràn lan như hiện nay nếu không sớm được ngăn chặn sẽ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản Hà Tĩnh “dậy sóng”

    Bất động sản Hà Tĩnh “dậy sóng”

    09:00, 11/07/202

  • Giám sát chặt thị trường bất động sản, không để tái diễn “sốt đất”

    Giám sát chặt thị trường bất động sản, không để tái diễn “sốt đất”

    16:33, 26/08/2021

  • Có nên đầu tư đất nền hậu sốt đất?

    Có nên đầu tư đất nền hậu sốt đất?

    17:28, 03/09/2021

  • Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền được kiểm soát, có nơi giảm giá 10-20%

    Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền được kiểm soát, có nơi giảm giá 10-20%

    04:00, 16/07/2021

  • Cẩn trọng sốt đất nhờ… đường sắt

    Cẩn trọng sốt đất nhờ… đường sắt

    13:10, 03/07/2021

  • Lãi suất tiền gửi 0%: Đổ thêm dầu vào lửa, nguy cơ sốt đất trở lại

    Lãi suất tiền gửi 0%: Đổ thêm dầu vào lửa, nguy cơ sốt đất trở lại

    11:20, 25/06/2021

TÂM ĐAN