Giám sát chặt thị trường bất động sản, không để tái diễn “sốt đất”

DIỆU HOA 26/08/2021 16:33

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản, không để tái diễn "sốt đất" trong các tháng còn lại của năm khi bệnh được kiểm soát.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Xây dựng giám sát chặt chẽ thị trường bất động sản (Ảnh: LV)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II.

Theo kết luận trên, về lĩnh vực xây dựng – bất động sản, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...

Yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến của thị trường bất động sản, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tập trung vào thị trường bất động sản tăng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định. Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cấp cho thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát.

Bộ Xây dựng cho biết cơn sốt đất nền cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại đó là hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường bất động sản...

Thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch (như thông tin về quy hoạch, các dựán được thế chấp ngân hàng, tính pháp lý của từng dự án....) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt nóng cục bộ tại một số địa phương.

Đánh giá về thị trường đất nền nửa cuối năm, các chuyên gia cho rằng khó có thêm đợt sốt đất tiếp theo ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn phân tích, theo lý thuyết, thị trường bất động sản vừa đi qua "sốt", sau đó lại gánh thêm cú bồi từ dịch COVID -19 khiến lượng quan tâm lẫn giao dịch giảm mạnh. Không ít người chịu áp lực tài chính sẽ bán gấp dù chịu lỗ. Tuy nhiên thực tế, ở đâu đó vẫn có thông tin cắt lỗ nhưng đa phần chỉ là chiêu trò bán hàng của môi giới.

Theo ông Quốc Anh, nguồn hàng đất nền đủ điều kiện để giao dịch trên thị trường vốn không nhiều, nhu cầu mua lại không thiếu nên rất khó để đẩy chủ đất vào cảnh phải bán tháo, trừ khi rơi vào thế không thể xoay xở về tài chính. Vị chuyên gia này cũng dự báo giá thị trường sẽ tiếp tục đi ngang, ít nhất trong 2 quý tới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch DTJ Group cho rằng, hầu hết ở các địa phương không còn hiện tượng sốt đất nhưng giá vẫn còn cao so với thời điểm trước khi sốt và đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Do giá bán cao khiến lực hấp thụ rất thấp, chỉ dự án nào điều chỉnh hợp lý về mức giá thị trường mới có giao dịch.

"Thị trường sẽ rất khó khăn, bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nếu quý III dập dịch thành công thì quý IV có thể hồi phục nhưng chỉ mang tính gượng dậy. Nhìn chung thị trường sẽ yếu chứ không có sự bùng nổ hay quá mỹ mãn như các năm trước" - ông Khánh cho biết.

Trong khi đó, ở góc nhìn khác, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, khoảng hết quý III/2021, nếu dịch COVID - 19 kiểm soát tốt thì sẽ có một cơn sóng bất động sản nhỏ vùng ven. Song đó chỉ là cơn sóng nhỏ về thị trường đất nền.

Có thể bạn quan tâm

  • Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại, cơn sốt đất có tái diễn?

    Phú Quốc cho phép tách thửa trở lại, cơn sốt đất có tái diễn?

    03:30, 26/08/2021

  • Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền được kiểm soát, có nơi giảm giá 10-20%

    Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền được kiểm soát, có nơi giảm giá 10-20%

    04:00, 16/07/2021

  • Cẩn trọng sốt đất nhờ… đường sắt

    Cẩn trọng sốt đất nhờ… đường sắt

    13:10, 03/07/2021

  • Dòng tiền tiếp tục đổ vào bất động sản, nguy cơ cơn sốt đất mới?

    Dòng tiền tiếp tục đổ vào bất động sản, nguy cơ cơn sốt đất mới?

    04:00, 19/06/2021

  • Sau cơn sốt đất nền phân khúc bất động sản nào đang chiếm ưu thế?

    Sau cơn sốt đất nền phân khúc bất động sản nào đang chiếm ưu thế?

    03:00, 11/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giám sát chặt thị trường bất động sản, không để tái diễn “sốt đất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO